Cứng khớp gối là dấu hiệu cảnh báo khớp gối của bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng như: Viêm khớp gối, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp gối, hư hỏng dây chằng,… Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh có thể kết hợp với các bài tập vật lý trị liệu, giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Bạn đọc có thể tham khảo 3 bài tập giúp cải thiện cứng khớp gối qua bài viết sau đây.
Cấu tạo của khớp gối
Khớp gối được cấu tạo bởi ba thành phần cơ bản, bao gồm:
- Cấu trúc xương: Xương bánh chè, mâm chày, xương lồi cầu đùi.
- Lớp sụn: Lớp sụn bao bọc đầu xương, có tác dụng giảm ma sát và bảo vệ xương.
- Cấu trúc phần mềm: Hệ thống các dây chằng, dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên trong, dây chằng bên ngoài, gân, cơ. Bộ phận này làm cố định các xương ở vùng gối, giúp hoạt động co duỗi, đi lại của cơ thể được dễ dàng hơn.
Hình ảnh cấu tạo khớp gối
Khớp gối là một trong những khớp lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ trọng lượng cơ thể và hỗ trợ cho các hoạt động di chuyển, đi lại.
Cứng khớp gối là gì?
Cứng khớp gối là hiện tượng các cơ khớp đầu gối gặp vấn đề và xơ dính lại, khiến đầu gối bị co cứng. Tình trạng này khiến người mắc không thể co hay duỗi thẳng chân, có thể bị tê gối và khó khăn trong việc di chuyển, đi lại.
Cứng khớp gối có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên chân. Thường gặp vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy hoặc đầu buổi chiều, kéo dài từ 15 - 30 phút hay hàng giờ. Người bệnh phải xoa bóp một lúc thì khớp gối mới có thể cử động bình thường trở lại. Ngoài ra, cứng khớp còn có thể đi kèm với một số dấu hiệu khác như:
- Khớp gối sưng tấy, nóng đỏ.
- Đau khi nghỉ ngơi hoặc đang vận động.
- Sốt nhẹ, mệt mỏi, cơ thể suy nhược.
Nguyên nhân gây cứng khớp gối
Cứng khớp gối thường gặp ở người cao tuổi và trung niên, tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn so với nam giới. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, tuy nhiên, một số nguyên nhân phổ biến có thể gây ra cứng khớp gối đó là:
- Do chấn thương: Trong các trường hợp bị té ngã, tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc chấn thương trong thể thao,... có thể gây đứt dây chằng, bong gân, vỡ sụn chêm, vỡ mặt xương,... đều là nguyên nhân gây cứng khớp gối.
- Do viêm khớp gối hoặc viêm khớp dạng thấp: Cứng khớp gối trong viêm khớp có thể kèm theo biểu hiện: Người gầy sút, mệt mỏi, khớp gối sưng đau, thường đau cứng khớp trong vòng 1 giờ vào sáng sớm.
-Do thoái hóa khớp gối: Khi bị thoái hóa khớp gối, lớp sụn bị bào mòn, giảm sự ma sát và tăng tiếp xúc giữa hai đầu xương, gây đau nhức. Dấu hiệu đau cứng khớp gối buổi sáng hay khi ngồi lâu chiếm đến 90%.
Hình ảnh so sánh khớp gối bình thường và khớp gối thoái hóa
Do bất động khớp: Sau khi bó bột hay mang nẹp phẫu thuật, dây chằng, bao khớp thường bị co rút trong thời gian dài, gây ra hiện tượng cứng khớp.
3 bài tập giúp cải thiện cứng khớp gối hiệu quả
Chấn thương đầu gối và viêm khớp là một trong những nguyên nhân chính gây nên cứng khớp gối. Nên gặp bác sĩ chuyên khoa nếu bạn có những tổn thương và thấy biểu hiện cứng khớp gối. Trong nhiều trường hợp, nghỉ ngơi, chườm nước đá, kết hợp sử dụng các loại thuốc chống viêm, giảm đau theo chỉ định của thầy thuốc có thể giúp giảm bớt cứng khớp gối và các triệu chứng liên quan. Bên cạnh đó, người bệnh nên áp dụng một số bài tập giúp đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Bạn có thể áp dụng thực hiện 3 bài tập sau đây:
Bài tập 1: Giãn cơ bắp chân.
- Công dụng: Bài tập này giúp kéo giãn các gân cơ ở bắp chân, giải phóng sự chèn ép, giảm nhanh cơn đau cứng khớp, giúp khớp gối vận động linh hoạt và khỏe mạnh.
- Thực hiện:
B1: Hai bàn tay tự lên tường.
B2: Chân phải chùng gối, gần sát tường, chân trái duỗi thẳng sao cho hai bàn chân song song với nhau, vuông góc với tường.
B3: Gối phải dần hạ thấp để tăng độ căng của cơ bắp chân. Giữ nguyên tư thế 20 giây rồi đổi bên.
=> Thực hiện động tác này nhiều lần để đạt kết quả tốt nhất.
Bài tập giãn cơ bắp giúp khớp gối vận động linh hoạt và khỏe mạnh
Bài tập 2: Tăng cường sức mạnh cho khớp gối
- Công dụng: Bài tập giúp tăng khả năng chịu lực của khớp gối, tăng cường sức khỏe xương khớp, giảm tình trạng thoái hóa.
- Thực hiện:
B1: Đứng thẳng, dựa vào tường, hai chân rộng bằng vai.
B2: Từ từ hạ thấp người xuống để đầu gối gập tạo thành 1 góc vuông với mặt sàn.
B3: Giữ nguyên tư thế trong khoảng 5 - 10 giây rồi quay trở về tư thế ban đầu.
=> Thực hiện nhiều lần để tăng hiệu quả.
Bài tập giúp tăng cường sức mạnh cho khớp gối
Bài tập 3: Bài tập nâng thẳng chân.
- Công dụng: Giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, giảm áp lực lên khớp gối, làm sụn khớp gối không bị bào mòn, hạn chế tình trạng khô khớp, cứng khớp.
- Thực hiện:
B1: Người bệnh nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng.
B2: Chống hai khuỷu tay xuống sàn, đầu ngẩng dậy, mông vẫn chạm mặt đất.
B3: Đưa chân phải lên cao, chân trái dựng chống lên. Giữ ống chân phải thẳng không được để bị chùng, ngón chân hướng lên trên.
B4: Cố gắng đẩy gót chân về phía trước để các khớp xương và hệ thống gân cơ được giãn căng hết mức. Giữ tư thế trong 3 giây rồi từ từ hạ đùi phải xuống.
=> Thực hiện nhiều lần để tăng hiệu quả.
Bài tập giúp giảm áp lực lên khớp gối