Tràn dịch khớp gối gây nên rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là khiến người mắc gặp khó khăn khi di chuyển. Vậy tràn dịch khớp gối là bệnh gì, có nên chọc hút dịch khớp để cải thiện các triệu chứng bệnh hay không? Nếu đang băn khoăn về vấn đề này, mời các bạn cùng theo dõi thông hữu ích trong bài viết dưới đây.
Tràn dịch khớp gối là bệnh gì?
Khớp gối đóng vai trò vô cùng quan trọng, ngoài chức năng vận động, giúp con người có thể đi lại, chạy nhảy, đứng ngồi hàng ngày thì chúng còn phải chịu trọng lượng của cả cơ thể dồn xuống, nhất là khi hoạt động. Có nhiều vấn đề xảy ra tại đầu gối, trong đó thường gặp là tình trạng tràn dịch khớp gối.
Tràn dịch khớp gối là dạng tổn thương xảy ra khi lượng dịch bên trong khớp gối tăng, làm xuất hiện triệu chứng nổi mẩn đỏ xung quanh, sưng và phù nề. Bên gối bị tràn dịch thường to hơn bên còn lại do bao khớp dày lên, có thể dựa vào mốc xương để so sánh 2 bên. Người bị tràn dịch khớp gối thường có cảm giác nặng nề trong khớp, đau khi đi lại, khó duỗi thẳng hoặc gập gối, làm hạn chế khả năng vận động. Đồng thời, các cơ xung quanh cũng bị yếu dần đi, khiến khớp gối ngày càng không vững. Cơn đau do viêm khớp gối tràn dịch có thể hết ngay sau đó, nhưng một số trường hợp lại kéo dài đến vài giờ.
Bị tràn dịch khớp gối có nên chọc hút dịch khớp không?
Khi bị tràn dịch khớp gối thì thủ thuật chọc hút dịch khớp gối là điều cần thiết để giảm những cơn đau tức thời. Tuy nhiên, không nên chọc hút nhiều lần, bởi nếu lạm dụng phương pháp điều trị này có thể dẫn đến tình trạng xơ cứng khớp, dính khớp, thậm chí phá hủy khớp do nhiễm trùng.
Chọc hút dịch khớp gối là thủ thuật hút bớt lượng dịch khớp dư thừa trong khớp gối bằng kim nhỏ. Mục đích của thủ thuật này là giúp chẩn đoán các bệnh lý ở khớp gối như viêm khớp gối tràn dịch, viêm màng hoạt dịch khớp không đặc hiệu hay tình trạng tràn máu ổ khớp gối sau khi chấn thương. Đây là thủ thuật đơn giản tuy nhiên cần phải thực hiện tại cơ sở chuyên khoa uy tín. Khi tiến hành chọc hút dịch khớp gối, các dụng cụ thực hiện như bơm tiêm, kim phải được xử lý vô trùng… và tuân thủ các quy định thủ thuật nghiêm ngặt để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Không dùng phương pháp chọc hút dịch khớp đối với một số trường hợp sau:
- Bệnh nhân mắc chứng bệnh hay chảy máu hoặc đang tiến hành điều trị bệnh bằng thuốc có thành phần chống đông.
- Người bị mắc chứng bệnh máu khó đông, hoặc máu hiếm mà không có máu truyền dự phòng.
- Bệnh nhân bị xây xước, tổn thương tại các vùng da cần chọc hút dịch khớp gối.
Đặc biệt, cần thận trọng với một số trường hợp sau khi dùng phương pháp chọc hút dịch khớp như: Bệnh nhân mắc một số bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp hoặc chưa kiểm soát được lượng đường trong máu. Nếu người bệnh bị nhiễm HIV thì nên thận trọng chọc hút dịch khớp gối vì có thể gặp nguy hiểm, do cơ thể người bệnh sẽ suy giảm hệ miễn dịch.