Những cơn đau khớp thường hành hạ người bệnh khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi khiến người bệnh khó khăn trong việc vận động. Nguyên nhân là do mưa nắng thất thường, độ ẩm cao kết hợp với áp suất khí quyển thấp làm gia tăng cơn đau, gây sưng khớp. Ngoài ra nhiệt độ thay đổi làm tăng sự cứng của khớp. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để biết thêm thông tin.
Tại sao đau khớp tăng nặng khi chuyển mùa?
Một nghiên cứu tại Nhật Bản được công bố trên tạp chí Quốc tế Biometeorology cho thấy: có mối liên hệ trực tiếp giữa áp suất thấp, nhiệt độ thấp và đau khớp. Nghiên cứu được các nhà khoa học thử nghiệm trên chuột, họ gây viêm mạn tính lên chân của chuột, tương tự như đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân viêm khớp. Khi chúng được đặt trong môi trường áp suất và nhiệt độ thấp, những biểu hiện đau khớp ở chân chuột trở nên rõ rệt, trong khi điều đó không được ghi nhận trong nhóm đối chứng.
Đau khớp thường tăng nặng khi thời tiết chuyển mùa
TS. Parvizi, Giám đốc Nghiên cứu lâm sàng tại ĐH Jefferson (Philadelphia, Mỹ) phát hiện ra rằng, khi áp lực không khí thay đổi, áp lực trong các khớp xương cũng thay đổi theo. Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu so sánh các bệnh nhân bị đau do thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp với nhóm khỏe mạnh. Kết quả là các bệnh nhân thoái hóa khớp cảm thấy cơn đau ở khớp tăng nặng lên khi áp suất không khí giảm xuống, trong khi ở nhóm viêm khớp dạng thấp chịu ảnh hưởng khi nhiệt độ môi trường giảm xuống.