Ít ai ngờ: Giày cao gót lại là “ thủ phạm” gây ĐAU KHỚP NGÓN CHÂN ở phụ nữ

Mặc dù giày cao gót khiến bạn trông uyển chuyển và quyến rũ hơn nhưng chúng lại là “thủ phạm” dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, trong đó có tình trạng đau khớp ngón chân. Đặc biệt, vào thời điểm nhiều tiệc tùng như cuối năm cũng là lúc phụ nữ mang giày cao thường xuyên hơn và phải gánh chịu những tác hại sau đó. Vì sao lại như vậy và có cách nào để hạn chế tình trạng này? Đừng bỏ lỡ những lời khuyên hữu ích từ chuyên gia trong bài viết dưới đây.

Cảnh báo nguy cơ đau khớp ngón chân do lạm dụng giày cao gót

Một trong những nguyên nhân gây đau khớp, làm ngón chân cái lệch trục là do đi giày cao gót quá cao, cứng, mũi giày nhọn và đi giày cao gót trong nhiều năm. Như trường hợp của chị Trương Thanh Hà, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội. Do tính chất công việc, chị Hà phải đi giày cao gót thường xuyên. Gần đây, chị bị đau lưng, đau khớp ngón chân. Càng ngày càng đau, chị đi khám, chụp X-quang thì thấy bị viêm khớp. Lúc nghe được nguyên nhân, chị mới giật mình với nguy cơ viêm xương khớp từ giày cao gót.

Viêm khớp do lạm dụng giày cao gót

Viêm khớp do lạm dụng giày cao gót

Khi đi giày cao gót trong thời gian dài, bàn chân sẽ bị gò bó trong tư thế dốc. Điều đó khiến sức nặng của cơ thể dồn về phía mũi chân, gây ra hiện tượng phù nề và đau nhức mũi chân. Giày quá chật còn gây biến dạng, chồi xương ngón chân ở người có ngón chân cái to, do lực tác động tại vùng này rất lớn. Ngoài ra, nếu giày cao gót quai hậu bó khít với chất liệu cứng còn gây phình xương gót - được gọi là biến dạng Haglund.

Những di chứng đau khớp khác do giày cao gót

Nhiều chị em sau nhiều năm đi giày cao gót, ngón chân cái dần dần lệch về phía ngón chân kế tiếp. Nếu tiếp tục đi giày bó mũi chân, càng ngày, phần lệch đó càng nặng và mấu xương ở bìa trong của chân, vị trí chân của ngón cái càng nhô ra. Có người vị trí đó dần tạo thành vết chai lớn mất thẩm mỹ, có người thì phần xương lồi ra thành mấu lớn. Tình trạng đau khớp ngón chân cái, đau khớp ngón chân trỏ, đau khớp ngón chân út lâu dần sẽ khiến bàn chân bị nghiêng, thậm chí, các ngón có xu hướng chồng lên nhau. Ngoài ra, còn nhiều chứng đau nhức liên quan tới giày dép khác, cụ thể:

Đeo giày cao gót thường xuyên khiến chân phải chịu áp lực rất lớn

Đeo giày cao gót thường xuyên khiến chân phải chịu áp lực rất lớn

Đau chỏm xương bàn: Bề ngang mũi giày hẹp không vừa bàn chân có thể gây ra hội chứng Morton, gây tê và đau chỏm xương bàn 3, 4. Một số trường hợp còn tạo ra cục chai nằm hai bên chỏm xương bàn 5 (ngón út) hay ngón 1 (ngón cái). Các cục chai này rất đau và có thể bị loét do cọ xát với thành giày.

Đau gót và gan bàn chân: Giày không có đế êm ở gót chân, gót quá cao hay quá thấp đều gây viêm cân gan chân (gai xương gót).

Đau lan từ bàn chân lên vùng gối hay đùi: Thường là những cơn đau do hệ thống tĩnh mạch bị suy yếu (giãn tĩnh mạch) hay gân cơ bị căng kéo lâu ngày, xảy ra ở những người mang giày dép quá cao hay quá chật kéo dài.

Hội chứng ống cổ chân: Xuất hiện khi có sự chèn ép thần kinh trong ống cổ chân. Tình trạng này biểu hiện bằng sự đau nhức và tê, dị cảm dưới gan bàn chân. Đau thường lan từ cổ chân đến chỏm xương bàn hay ngón chân và tăng lên khi đi giày, đứng lâu, đi nhiều.

Lưu ý khi chọn và mang giày cao gót để tránh tình trạng đau khớp

Chị em không nên đi những đôi giày quá cao, mũi quá nhọn. Thỉnh thoảng, nên cho chân nghỉ ngơi trên những đôi dép thấp gót và êm chân. Trong trường hợp ngón chân cái bị lệch trục hoặc bàn chân biến dạng, cần khám để có thể chỉ định biện pháp điều trị. Khi đó, các chuyên gia sẽ mở phần bị biến dạng để chỉnh lại xương và dây chằng, có thể phải bắt vít để xương cố định ở vị trí bị lệch. Sau phẫu thuật chỉnh hình, bạn sẽ phải tập phục hồi chức năng.

Lựa chọn những đổi giày cao gót cao vừa phải, mũi không quá nhọn để hạn chế cơn đau khớp

Lựa chọn những đổi giày cao gót cao vừa phải, mũi không quá nhọn để hạn chế cơn đau khớp

Chọn giày được làm từ chất liệu mềm mại để tránh áp lực cho bàn chân. Lưu ý:

- Giày dưới 4cm trở xuống có thể sử dụng khi phải đi lại nhiều, nhưng không quá 4 giờ đồng hồ.

- Giày từ 4 - 8cm chỉ nên đi khi cần thiết và tối đa không quá 3 tiếng.

- Giày gót cao từ 8cm trở lên nên tránh sử dụng. Nếu buộc phải đi những đôi giày này, không nên mang chúng quá 1 tiếng.

Ngoài ra, mỗi buổi tối về nhà, bạn hãy làm những điều sau:

- Đi chân trần ngay hoặc đi giày dép đế mềm trong nhà.

- Dùng tay massage toàn bộ lòng bàn chân để giúp máu lưu thông tốt. Ngâm chân vào nước ấm trong khoảng 20 - 30 phút.

- Lăn chân trên một quả bóng tròn (bóng tennis) hoặc sử dụng dụng cụ massage dành riêng cho lòng bàn chân.

- Khi đi ngủ, nên đặt chân lên một chiếc gối cứng để giúp máu lưu thông tốt.



Bình luận

2
Thông tin hữu ích

Thông tin hữu ích

  • 8 điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp
    8 điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp

    Viêm khớp dạng thấp không đơn giản chỉ điều trị một vài ngày đã khỏi ngay vì đây là bệnh viêm mạn tính. Do đó rất nhiều người lo lắng bệnh viêm khớp dạng thấp lâu ngày có gây tàn phế và ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể không? Dưới đây là 8 điều cần biết về căn bệnh này, giúp bệnh nhân điều trị đúng hướng giúp bệnh ổn định, ngăn ngừa biến chứng.

  •         Nên kiêng thực phẩm gì khi mắc bệnh viêm khớp?
    Nên kiêng thực phẩm gì khi mắc bệnh viêm khớp?

    Ngoài việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất béo không no, rau xanh, hoa quả tươi…kết hợp với việc vận động tập luyện, kiên trì sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ để bệnh viêm khớp nhanh được cải thiện. Bệnh nhân cần kiêng những gì để bệnh viêm khớp tái phát ?