Sói rừng là một loại cây màu xanh sẫm, cao 1-2m, nhánh tròn không lông. Lá mọc đối, có phiến dài xoan bầu dục. Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở vùng núi đất, ở bìa rừng và ven đồi ẩm. Dân gian cũng thường trồng sói rừng lấy hoa ướp trà hoặc cũng có thể trồng làm thuốc.
Sói rừng
Theo y học cổ truyền, sói rừng có vị đắng, cay, tính hơi ấm; có tác dụng hoạt huyết giảm đau, khư phong trừ thấp, tiêu viêm giải độc. Sói rừng giúp tăng sự lưu thông tuần hoàn, giảm đau, kháng khuẩn và điều hòa miễn dịch. Cây sói rừng được sử dụng trong các bệnh lý viêm, nhiễm khuẩn, các bệnh tự miễn, viêm khớp dạng thấp và cả trong việc thúc đẩy làm lành chỗ gãy xương. Dân gian còn dùng rễ ngâm rượu uống chữa đau tức ngực; lá giã đắp chữa rắn cắn; Lá sắc uống trị ho lao. Ngoài ra, y học cổ truyền Trung Quốc cũng sử dụng Sói rừng chữa các bệnh: ung thư tụy, dạ dày, trực tràng, viêm ruột thừa cấp…
Thực tế đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của cây sói rừng và một trong số đó là nghiên cứu được thực hiện tại trường đại học Dược Thẩm Dương, Trung Quốc vào tháng 1 năm 2009, đánh giá ảnh hưởng của dịch chiết sói rừng trong tác dụng điều hòa miễn dịch ở chuột bị gây stress bằng cách nuôi nhốt. Kết quả cho thấy dịch chiết sói rừng có hiệu lực bảo vệ hệ miễn dịch ở những con chuột bị nhốt thông qua sự cải tạo tỷ lệ và số lượng tế bào miễn dịch.