Không ít người trong đó có cả những người trong ngành y tế cho rằng bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp chỉ gặp ở người lớn tuổi. Nhưng thực tế, căn bệnh này còn gặp nhiều ở tuổi thiếu niên và có thể trong quá trình phát triển của trẻ sẽ để lại những di chứng nặng nề.
BS. Mai Trung Dũng – Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện 354, cho biết: Hội nghị nhi khoa Quốc tế năm 1977 đã thống nhất tên gọi “Viêm khớp dạng thấp thiếu niên” để chỉ tất cả những bệnh viêm khớp mạn tính ở trẻ em dưới 16 tuổi. Đây là bệnh viêm bao hoạt dịch không sinh mủ mạn tính, kết hợp với một số biểu hiện ngoài khớp. Về bản chất, bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em giống với ở người lớn nhưng khác ở kiểu phản ứng lâm sàng. Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thường để lại di chứng teo cơ cứng khớp, viêm mống mắt gây tàn tật suốt đời cho trẻ, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bệnh có 3 thể: Thể ít khớp, thể đa khớp và thể hệ thống. Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể ít khớp được xác định bởi tình trạng viêm khớp xảy ra ở dưới 4 khớp và diễn biến qua 6 tháng. Thường xuất hiện ở các bé gái với tổn thương ban đầu ở các khớp lớn như: Khớp gối, cổ chân, khuỷu, cổ tay. Rất ít khi tổn thương các khớp nhỏ, khớp háng và cột sống. Nếu chỉ viêm một khớp thì thường là khớp gối, khớp sưng đau nhưng vẫn đi lại vận động được. Thể viêm khớp này thường diễn biến nhẹ nhưng nó cũng có thể gây ra hai di chứng nghiêm trọng, đó là: Viêm mống mắt và tình trạng chân bên bệnh dài hơn chân bên lành làm trẻ đi khập khiễng.
Ở thể đa khớp, bệnh này ở trẻ em được xác định với bởi tình trạng viêm từ 4 khớp trở lên và kéo dài trên 6 tháng. Trẻ bị viêm đa khớp thường bắt đầu bởi tình trạng sốt nhẹ kéo dài, mệt mỏi, ăn kém. Triệu chứng đa số bắt đầu từ một khớp, sau đó phát triển sang khớp khác với tính chất đối xứng, sưng đau, phù nề, có thể có tràn dịch khớp gối, bệnh hay gặp ở khớp cổ tay, cổ chân, gối, khuỷu.
Còn viêm khớp dạng thấp thể hệ thống gặp ở trẻ từ 5-7 tuổi, khởi phát cấp tính với biểu hiện toàn thân là sốt cao kéo dài, viêm các khớp cổ tay, cổ chân, gối, khuỷu, khớp ngón. Các khớp viêm sưng, nóng, đau, ít đỏ, có thể có tràn dịch khớp. Kèm theo các biểu hiện ngoài khớp với các ban đỏ ở thân mình, tứ chi nhất là lòng bàn tay, bàn chân. Ngoài ra còn có thể có các tổn thương nội tạng như tại gan, lách, hạch, viêm màng ngoài tim, viêm màng bụng, màng phổi… Bệnh tiến triển từng đợt, mỗi đợt vài tuần đến vài tháng, vài năm, thưa dần rồi khỏi, có thể để lại di chứng ở khớp. Một số trường hợp nặng dần rồi tử vong vì các biến chứng suy tim, suy thận do nhiễm tinh bột.
Cần điều trị và động viên tích cực:
Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể đa khớp là thể nặng nhất do cả số lượng khớp viêm nhiều lẫn tiến triển nặng nề. Bệnh thường tiến triển lâu dài, tăng dần đưa đến dính và biến dạng các khớp, teo cơ nhiều. Trẻ có thể gặp những khó khăn trong các hoạt động bình thường và cần được điều trị chăm sóc đặc biệt.
Điều quan trọng trong điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ là phải kiểm soát được tình trạng viêm khớp càng nhanh càng tốt. Việc sử dụng các thuốc đặc trị để chống viêm là hết sức cần thiết để giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các di chứng về sau, tuy nhiên cần thận trọng các tác dụng phụ của nhóm thuốc này, để an toàn tốt nhất cho trẻ điều trị theo đông y kết hợp với các phương pháp trị liệu kết hợp sẽ đem lại hiệu qua điều trị rất hả quan. BS. Mai Trung Dũng cho hay, vì bệnh kéo dài mạn tính nên cần nâng đỡ về mặt tinh thần đối với bệnh nhi. Cần quan tâm đến việc học hành, phục hồi chức năng, tái giáo dục và chỉnh hình cho các em.
Trong vấn đề chăm sóc và phục hồi chức năng đối với trẻ viêm khớp dạng thấp thiếu niên, thì việc giữ gìn tốt chức năng vận động của khớp, duy trì sức cơ bằng cách làm giảm viêm tại khớp. Ngoài ra cần chú ý đến các biện pháp ngăn ngừa và xử lý các biến chứng toàn thân, biến chứng do dùng thuốc. Các gia đình có trẻ bị mắc bệnh cần nâng đỡ tinh thần và biết cách chăm sóc. Có chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý để kích thích sự phát triển cho trẻ.
Theo BS. Dũng, cần có sự phối hợp chặt chẽ nhiều chuyên ngành trong điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng như: Bác sĩ chuyên về khớp, bác sĩ nhãn khoa, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ tâm lý, chuyên viên vật lý trị liệu, nhóm công tác xã hội và quan trọng nhất là bệnh nhi và gia đình trẻ. Quá trình điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác tích cực của bệnh nhi và gia đình mới có kết quả khả quan.