Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nếu không được điều trị sớm và đúng cách thì có nguy cơ bị tàn phế hoàn toàn trong vòng 10 năm kể từ khi phát bệnh. Vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp có vai trò quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh.
Viêm khớp dạng thấp thường khởi phát sau một số yếu tố thuận lợi như: nhiễm khuẩn cấp tính, bán cấp tính; chấn thương, phẫu thuật, cảm lạnh, căng thẳng thể lực hay thần kinh,… Bệnh khởi đầu bằng viêm đối xứng các khớp nhỏ (khớp cổ tay, khớp bàn - ngón tay, khớp ngón tay), sau lan sang các khớp lớn (khớp gối, khớp cổ chân) với biểu hiện: viêm sưng, nóng, đau âm ỉ, cứng và khó vận động khớp vào buổi sáng.
Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, gầy sút, kém ăn, teo cơ nhanh, sốt, gai rét,… Các khớp bị sưng đau, gây hạn chế vận động. Cụ thể, khớp cổ tay sưng nề ở phía mu bàn tay, khó gấp hay duỗi bàn tay, có thể bị biến dạng giống “thìa úp” hoặc như “lưng con lạc đà”. Với khớp ngón tay, người bệnh thường bị viêm các khớp đốt gần, khớp bàn ngón, dẫn tới khó nắm chặt các ngón tay vào lòng bàn tay và đến giai đoạn nặng, có thể bị dính, biến dạng tạo thành ngón tay hình “cổ cò”, các ngón lệch trục về phía xương trụ tạo nên bàn tay gió thổi. Khớp gối thường bị sưng đau, hạn chế gấp duỗi, phù nề tổ chức cạnh khớp, có thể có tràn dịch ổ khớp hoặc bị dính ở tư thế nửa co. Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thể bị sưng đau, phù nề cả bàn chân hoặc tràn dịch; viêm khớp bàn-ngón chân và khớp ngón chân cái tạo tư thế ngón cái quặp vào ngón bên cạnh,...
Ngoài biểu hiện tại khớp, khoảng 10-20% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có xuất hiện các hạt thấp dưới da. Đây là những hạt hay cục với kích thước từ 5-10mm, nổi gồ lên mặt da, chắc, không di chuyển, không gây đau; thường xuất hiện ở các vị trí như: đầu trên xương trụ, gần khớp khuỷu; đầu trên xương chày, gần khớp gối,… Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp một số triệu chứng khác như: viêm màng tim, tràn dịch màng phổi, thiếu máu,… với tỷ lệ thấp.
Là bệnh tự miễn nên việc điều trị viêm khớp dạng thấp đòi hỏi phải liên tục, kiên trì, thậm chí là cả cuộc đời. Tuỳ theo mức độ nặng và từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị phù hợp như dùng thuốc, vật lý trị liệu, nẹp chỉnh hình hay phẫu thuật.