Triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường tiến triển âm thầm qua nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Việc nhận biết những dấu hiệu bệnh từ sớm có vai trò quan trọng giúp nâng cao hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ bị biến chứng. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về các biểu hiện của bệnh!
Dấu hiệu cảnh báo viêm khớp dạng thấp
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp có thể biểu hiện trên hệ xương khớp và nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể. Cần lưu ý khi có các dấu hiệu sau đây:
Triệu chứng tại khớp xương
Cứng khớp
Một dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm khớp dạng thấp là tình trạng cứng khớp, xảy ra ở một hoặc hai khớp nhỏ, thường là khớp ngón tay. Cứng khớp có thể kéo dài trong vài ngày.
Ngoài bị cứng ở các khớp cụ thể, cảm giác cứng khớp chung toàn cơ thể cũng có thể xảy ra sau khi người bệnh nằm yên trong thời gian dài. Đây cũng chính là nguyên nhân của cơn cứng khớp buổi sáng sau khi ngủ dậy, một biểu hiện khá đặc trưng của viêm khớp dạng thấp.
Đau khớp
Cơn đau khớp xuất hiện sớm ở bàn tay, bàn chân. Cụ thể:
- Ở bàn tay, khớp ở giữa và gốc các ngón tay có thể bị đau khi ấn vào hoặc cử động.
- Ở bàn chân, các khớp ở gốc các ngón chân có thể bị mềm, khó đặt thẳng bàn chân khi đi lại.
Sưng khớp
Các khớp sưng lên ở bàn tay và bàn chân là những triệu chứng báo hiệu xuất hiện tình trạng viêm nhiễm. Sưng khớp có xu hướng rõ ràng hơn khi bệnh viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn tiến triển, còn ở giai đoạn đầu chỉ gây sưng nhẹ.
Khớp nóng
Sự nóng lên của khớp là do tình trạng viêm và triệu chứng này có thể xuất hiện trước khi khớp bị sưng, đỏ.
Khớp màu đỏ
Tình trạng viêm nhiễm khiến các mạch máu xung quanh mở rộng, làm máu chảy vào khu vực này nhiều hơn, khiến da có màu đỏ. Do đó, nếu vùng da xung quanh khớp bàn tay hay bàn chân bị đổi màu, hãy cảnh giác với bệnh viêm khớp dạng thấp.
Tê và ngứa ran
Tê và ngứa ran ở vùng bàn tay, bàn chân có thể là dấu hiệu ban đầu của viêm khớp dạng thấp. Các triệu chứng này là do khớp bị viêm nhiễm gây chèn ép vào dây thần kinh cảm giác.
Các khớp bị ảnh hưởng có tính đối xứng
Những người bị viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện các triệu chứng tại khớp giống nhau ở cả hai bên của cơ thể. Đây là một trong những dấu hiệu điển hình bởi không phải bệnh lý xương khớp nào cũng gặp phải tình trạng này.
Giảm khả năng vận động
Trong giai đoạn đầu của viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi uốn cong cổ tay ra sau. Khi bệnh tiến triển, tổn thương khớp ảnh hưởng đến dây chằng và gân, người bệnh còn xuất hiện thêm tình trạng khó duỗi thẳng khớp.
Triệu chứng toàn cơ thể
Mệt mỏi
Người bị viêm khớp dạng thấp thường cảm thấy vô cùng mệt mỏi và thiếu năng lượng. Tình trạng này khiến họ chán nản trong các hoạt động hàng ngày, suy giảm ham muốn tình dục, giảm năng suất làm việc. Nguyên nhân là do phản ứng của cơ thể với tình trạng viêm ở các khớp.
Sốt nhẹ
Đi kèm với tình trạng mệt mỏi, người bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bị sốt nhẹ do phản ứng viêm của cơ thể.
Giảm cân
Sụt cân không rõ nguyên nhân có thể là tác động gián tiếp của chứng viêm. Bởi khi cảm thấy mệt mỏi và sốt, người bệnh thường chán ăn, ăn không ngon miệng, dẫn đến giảm cân.
Triệu chứng ở các cơ quan khác
Trên da
Một số người bị viêm khớp dạng thấp xuất hiện các nốt thấp khớp dưới da. Chúng thường không đau và có thể di chuyển dễ dàng khi chạm vào. Cứ 4 người bị bệnh thì có 1 người gặp phải triệu chứng này. Vị trí mọc các nốt thường là ở trên khuỷu tay, mặt dưới cánh tay, sau đầu,...
Trên phổi
Viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến viêm màng phổi, gây triệu chứng đau ngực, đau tăng khi thở.
Trên tim
Tương tự như ở phổi, viêm khớp dạng thấp có thể gây viêm niêm mạc xung quanh tim hoặc cơ tim. Các triệu chứng thường không rõ ràng, người bệnh chỉ cảm thấy khó thở hoặc đau nhói ở ngực.
Trên mắt
Các triệu chứng trên mắt do viêm khớp dạng thấp gây ra đó là: Đục thủy tinh thể, khô mắt, viêm và tấy đỏ ở phần lòng trắng của mắt.
Các triệu chứng ở cơ quan nêu trên thường gặp khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng và xuất hiện biến chứng.
Làm sao để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp?
Để biết được chính xác có mắc viêm khớp dạng thấp hay không, ngoài những triệu chứng trên, người bệnh cần kết hợp thực hiện một số các xét nghiệm sau:
Xét nghiệm máu
Một số xét nghiệm máu được sử dụng trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Tốc độ lắng hồng cầu (ESR) giúp đánh giá mức độ viêm trong cơ thể.
- Protein phản ứng C (CRP) giúp đo mức độ viêm.
- Công thức máu đầy đủ giúp loại trừ một số nguyên nhân khác gây các triệu chứng mà bạn đang gặp phải.
Thiếu máu thường gặp ở những người bị viêm khớp dạng thấp, mặc dù triệu chứng này không chứng tỏ bạn đã mắc bệnh.
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp và kháng thể chống CCP
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp là xem sự xuất hiện của các protein mà hệ thống miễn dịch tạo ra khi tấn công mô khỏe mạnh. Khoảng 50% số người bị viêm khớp dạng thấp có nồng độ yếu tố dạng thấp trong máu cao khi mắc bệnh.
Xét nghiệm anti peptid citrulline (chống CCP) là các kháng thể cũng được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch. Những người có kết quả xét nghiệm này dương tính rất có khả năng bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, không phải tất cả người bị bệnh đều có kháng thể này.
Những người nhận kết quả xét nghiệm dương tính với cả yếu tố dạng thấp và chất chống CCP có nhiều khả năng bị viêm khớp dạng thấp giai đoạn nặng.
Chụp MRI khớp
Phương pháp này giúp kiểm tra tình trạng viêm, tổn thương khớp và mức độ tiến triển của bệnh.
Bị viêm khớp dạng thấp cần làm gì để tránh biến chứng?
Trong trường hợp bị chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp, bạn nên chú ý thực hiện những lời khuyên sau để nhanh chóng cải thiện và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm:
- Giữ ấm cho khớp khi trời trở lạnh.
- Tắm nước ấm để thư giãn xương khớp.
- Không mang vác quá sức hay vận động mạnh trong đợt cấp của bệnh.
- Thực hiện chế độ ăn uống giàu chất chống viêm và chống oxy hóa.
- Tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ để theo dõi hiệu quả điều trị.
Bên cạnh các phương pháp nêu trên, để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa viêm khớp dạng thấp, chuyên gia khuyên bạn nên kết hợp dùng thêm các thảo dược giúp chống viêm, giảm sưng, giảm đau như hy thiêm, sói rừng, nhũ hương,... nhằm nâng cao sức khỏe xương khớp, cải thiện triệu chứng bệnh. Với nguồn gốc từ tự nhiên, các thảo dược này rất an toàn, không gây tác dụng phụ ngay cả khi dùng lâu dài.
Tóm lại, các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp rất đa dạng, dễ gây nhầm lẫn với nhiều bệnh lý xương khớp. Hãy chú ý lắng nghe cơ thể bạn để kịp thời phát hiện sớm viêm khớp dạng thấp và có phương pháp xử lý kịp thời nhé! Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy ghi lại số điện thoại hoặc comment để được chuyên gia tư vấn.
Nguồn tham khảo:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/319810#early-signs-of-rheumatoid-arthritis
https://www.hss.edu/newsroom_5-warning-signs-of-ra.asp
https://www.hopkinsarthritis.org/arthritis-info/rheumatoid-arthritis/ra-symptoms/
https://www.webmd.com/rheumatoid-arthritis/rheumatoid-arthritis-symptoms