Cứng khớp - Triệu chứng của nhiều bệnh xương khớp nguy hiểm

Cứng khớp là triệu chứng của nhiều vấn đề xương khớp. Vì vậy, khi có triệu chứng cứng khớp người bệnh thường lo lắng, dẫn đến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ các thông tin liên quan đến nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết tình trạng cứng khớp. Từ đó giúp người bệnh hiểu thêm về sức khỏe của mình và lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp nhất

Cứng khớp là gì?

Cứng khớp là tình trạng các khớp khó cử động sau một thời gian dài nằm hoặc ngồi. Vì vậy, người bệnh thường bị cứng khớp khi thức dậy. Ở những trường hợp bị cứng khớp nhẹ thì sau khi vận động, các khớp sẽ chuyển động nhuần nhuyễn hơn và triệu chứng cứng khớp cũng cải thiện. Tuy nhiên, với các trường hợp bệnh trầm trọng thì việc di chuyển và vận động đơn giản cũng rất khó khăn.

cung-khop-la-tinh-trang-khop-kho-cu-dong.jpg

Cứng khớp là tình trạng khớp khó cử động 

Các dấu hiệu nhận biết cứng khớp?

Cứng khớp là dấu hiệu rất dễ để nhận biết. Nhưng có nhiều người bệnh lại vô tình bỏ qua sự xuất hiện của triệu chứng này và nghĩ đây là biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể. Điều đó có thể khiến cứng khớp chuyển biến trầm trọng hơn. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu sau thì có thể bạn đang bị cứng khớp:

  • Khó cử động một khớp nào đó trên cơ thể hoặc phạm vi cử động của khớp bị thu hẹp hơn so với bình thường.
  • Cứng khớp thường đi kèm với triệu chứng đau và sưng khớp. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cứng khớp mà người bệnh có thể cảm nhận được khớp bị đỏ, đau, nóng, ngứa ran hay tê ở vùng xung quanh.

cung-khop-thuong-di-kem-voi-trieu-chung-dau-nhuc-va-viem-sung.jpg

Cứng khớp thường đi kèm với triệu chứng đau nhức và viêm sưng

Các bệnh lý gây cứng khớp

Cứng khớp không phải là bệnh mà là dấu hiệu của nhiều vấn đề xương khớp liên quan. Do đó, để điều trị hiệu quả thì cần tìm ra được nguyên nhân gây cứng khớp. Đa phần người bệnh bị cứng khớp đều do các bệnh lý xương khớp như: 

- Thoái hóa khớp: Là bệnh lý gây cứng khớp rất phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi. Khi bị thoái hóa khớp, các sụn quanh khớp bị hao mòn và tổn thương. Vậy nên ma sát giữa các khớp không được trơn tru, gây cứng khớp. Bên cạnh triệu chứng cứng khớp, thoái hóa khớp còn gây đau nhức và sưng viêm.

- Viêm khớp dạng thấp: Là một bệnh xương khớp tự miễn. Lúc này hệ thống miễn dịch sẽ sản xuất các kháng thể tấn công khớp, làm tổn thương khớp và sụn. Từ đó khiến sự vận động của khớp trở nên khó khăn hơn. 

- Viêm bao hoạt dịch: Bao hoạt dịch là một túi nhỏ chứa dịch ở khớp có vai trò như một lớp đệm giúp giảm ma sát giữa xương, khớp với các bộ phận xung quanh như gân, da, cơ,... Đồng thời, hoạt dịch còn là chất bôi trơn khớp giúp hoạt động của xương khớp dễ dàng hơn. Vì vậy, khi bao hoạt dịch bị viêm, các khớp thường bị khô và khó chuyển động hơn.

- Bệnh gout: Gout là bệnh do tích tụ tinh thể natri urat tại các khớp, khiến khớp bị tổn thương. Lúc này chức năng vận động của khớp sẽ bị ảnh hưởng, gây ra triệu chứng cứng khớp. Người bị gout còn có các triệu chứng khác như: Đau nhức, sưng viêm, tấy đỏ khớp.

- Chấn thương: Ngoài các bệnh lý trên, cứng khớp cũng có thể xuất hiện sau khi bạn bị chấn thương dây chằng, trật khớp hay tổn thương sụn. Các tổn thương ở những vị trí này đều liên quan chặt chẽ đến chuyển động của khớp. Vậy nên, dù chấn thương nhẹ hay nặng đều có nguy cơ gây cứng khớp.

Cứng khớp có thể xảy ra sau khi bị chấn thương

Cứng khớp có thể xảy ra sau khi bị chấn thương

>>> XEM THÊM: Sự thật cần biết về viêm khớp và cách phòng ngừa tái phát

Cứng khớp có phải là dấu hiệu nguy hiểm không?

Cứng khớp có thể là triệu chứng báo hiệu bạn đang mắc phải một bệnh lý xương khớp nguy hiểm như: Thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch, gout,... Do đó, đây là dấu hiệu không thể chủ quan. Nếu tình trạng cứng khớp kéo dài mà không được điều trị hợp lý thì sẽ ảnh hưởng đến chức năng vận động của cơ thể.

Người bệnh bị cứng khớp trầm trọng có thể mất khả năng vận động, bị teo cơ khớp, biến dạng khớp hoặc thậm chí là tàn phế.

Các biện pháp giảm cứng khớp hiệu quả

Việc trị liệu cứng khớp thường xoay quanh các hoạt động giúp khớp chuyển động dễ dàng hơn và điều trị nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp thường được dùng là: 

Điều trị nguyên nhân gây cứng khớp

Điều trị nguyên nhân gây bệnh là phương pháp tối ưu nhất để giảm triệu chứng cứng khớp. Tuy nhiên, nhiều bệnh lý xương khớp không thể điều trị được hoàn toàn. Do đó, bác sĩ chủ yếu áp dụng các biện pháp để cải thiện triệu chứng liên quan như: Đau nhức, viêm sưng và nâng cao chất lượng cuộc sống, vận động của người bệnh.

dieu-tri-nguyen-nhan-gay-benh-la-phuong-phap-tot-nhat-de-giam-cung-khop.jpg

Điều trị nguyên nhân gây bệnh là phương pháp tốt nhất để giảm cứng khớp

>>> XEM THÊM: Tổng hợp các cách điều trị viêm khớp dạng thấp bạn nên biết!

Sử dụng các thuốc nội khoa

Các bệnh lý xương khớp thường khiến khớp bị đau nhức và viêm sưng. Từ đó làm ảnh hưởng đến hoạt động của khớp. Vì vậy, các thuốc giảm đau và chống viêm thường được chỉ định để giảm các triệu chứng, giúp người bệnh dễ chịu hơn.

  • Thuốc giảm đau paracetamol: Khi khớp bị đau nhức, mọi cử động đều khó khăn thì việc sử dụng thuốc giảm đau là rất cần thiết. Hoạt chất giảm đau thường được dùng nhất là paracetamol với hàm lượng 500mg/lần. Tác dụng giảm các cơn đau nhức xương khớp nhanh, hiệu quả nên được áp dụng rộng rãi hiện nay. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc bạn có thể bị tổn thương gan nặng nề, gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
  • Thuốc giảm đau, chống viêm NSAIDs: Hầu hết những người bệnh bị đau nhức xương khớp, cứng khớp đều được cho sử dụng NSAIDs phối hợp cùng paracetamol để tăng tác dụng giảm đau, giảm viêm. Tuy nhiên, NSAIDs có thể gây loét dạ dày, dẫn đến xuất huyết dạ dày làm mất máu. Vì vậy, việc lựa chọn các thuốc NSAIDs cần được cân nhắc theo tình trạng sức khỏe của người bệnh và tuyệt đối không lạm dụng để tránh tác dụng không mong muốn. 

khong-nen-lam-dung-thuoc-tay-y-de-lam-giam-trieu-chung-sung-viem-va-cung-khop.jpg

Không nên lạm dụng thuốc tây y để làm giảm triệu chứng sưng viêm và cứng khớp

Tiêm nội khớp

Tình trạng cứng khớp có thể xảy ra khi khớp bị viêm sưng quá nặng hoặc ma sát giữa bề mặt các khớp quá lớn. Để giảm các tình trạng này, bác sĩ có thể chỉ định tiêm nội khớp tại các khớp bị tổn thương. Tùy thuộc vào mục đích của điều trị mà người bệnh có thể được tiêm corticoid hoặc acid hyaluronic.

  • Tiêm chống viêm corticosteroid: Corticosteroid thường được chỉ định điều trị các vấn đề viêm sưng ở cơ thể dưới dạng thuốc uống. Tuy nhiên, vì viêm khớp là viêm khu trú và rất dai dẳng. Do đó, nếu sử dụng đường uống trong thời gian dài có thể gây nên các tác dụng phụ toàn thân như: Loãng xương, thay đổi sự phân bố mỡ,... Vậy nên, tiêm corticoid nội khớp thường áp dụng cho các trường hợp viêm khớp không do nhiễm khuẩn và thoái hóa khớp giai đoạn đầu. Từ đó giúp hỗ trợ giảm cứng khớp do các bệnh lý trên gây ra.
  • Tiêm chất bôi trơn acid hyaluronic: Acid hyaluronic là một chất bôi trơn có khả năng bảo vệ bề mặt sụn khớp và giúp các khớp ma sát dễ dàng hơn. Vì vậy, đối với các trường hợp người bệnh bị cứng khớp do tổn thương hay hao mòn sụn, tiêm acid hyaluronic sẽ cho hiệu quả điều trị rất tốt. Đồng thời, một vài nghiên cứu còn chứng minh được acid hyaluronic có khả năng giảm đau và ít tác dụng phụ tại chỗ. Nhờ đó giúp cải thiện tình trạng cứng khớp một cách an toàn. 

tiem-acid-hyaluronic-giup-giam-cung-khop-hieu-qua.jpg

Tiêm acid hyaluronic giúp giảm cứng khớp hiệu quả

Phẫu thuật

Phẫu thuật thay khớp gối và khớp háng được chỉ định khi tình trạng cứng khớp trở nên nghiêm trọng, tổn thương quá nặng nề, khiến người bệnh không thể cử động hoặc di chuyển bình thường. 

Sau phẫu thuật, khớp nhân tạo sẽ thực hiện vai trò giống như khớp bị thay thế. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ gặp các biến chứng như nhiễm trùng hay xuất hiện cục máu đông. Vậy nên, phẫu thuật điều trị cứng khớp chỉ được cân nhắc khi không có phương pháp trị liệu tối ưu hơn.

Vật lý trị liệu giúp giảm cứng khớp

Khi nhắc đến vật lý trị liệu phục hồi chức năng vận động của xương khớp, người ta thường nghĩ đến các bài tập chuyển động thông thường. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, các chuyên gia có thể áp dụng các thiết bị siêu âm, nhiệt trị liệu, thủy trị liệu,... để giảm tình trạng cứng khớp của bạn. 

Các bài tập này sẽ giúp giảm sự co cứng của cơ và tăng sự dẻo dai trong chuyển động khớp, từ đó giúp người bệnh cử động dễ dàng hơn. Bạn nên đến các bệnh viện phục hồi chức năng hoặc các trung tâm chuyên về vật lý trị liệu để được kiểm tra và xây dựng một chế độ tập luyện phù hợp nhất.

vat-ly-tri-lieu-giup-ho-tro-dieu-tri-cung-khop.jpg

Vật lý trị liệu giúp hỗ trợ điều trị cứng khớp

Trị liệu thần kinh cột sống Chiropractic

Hệ thần kinh cột sống tác động đến các hoạt động của cơ thể, kể cả sự cử động. Do đó, khi cấu trúc xương cột sống bị sai lệch có thể gây rối loạn các khớp và cơ, từ đó dẫn đến đau nhức khớp, cứng khớp.

Hiểu được tầm quan trọng đó, ngày nay, phương pháp trị liệu thần kinh cột sống Chiropractic được nhiều bác sĩ lựa chọn áp dụng. Các bác sĩ sẽ dùng tay hoặc các dụng cụ để nắn chỉnh lại các sai lệch ở cột sống và các khớp liên quan, giúp hồi phục chức năng vận động tại các khớp.

phuong-phap-chiropractic-giup-giam-cung-khop-hieu-qua.jpg

Phương pháp Chiropractic giúp giảm cứng khớp hiệu quả

Các thảo dược hỗ trợ điều trị các bệnh lý gây cứng khớp

Hiện nay, sử dụng thảo dược để hỗ trợ điều trị các bệnh lý gây cứng khớp đang được nhiều người ưu chuộng. Phải kể đến một số thảo dược quý có khả năng hỗ trợ điều trị cứng khớp như:

  • Hy thiêm: Hy thiêm được sử dụng để giảm triệu chứng đau nhức khớp, cứng khớp do các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, gout gây ra. Người bệnh có thể sử dụng các nước sắc từ hy thiêm để uống hay cao hy thiêm để bôi lên vị trí khớp bị tổn thương. Để tăng hiệu quả điều trị các vấn đề xương khớp, một vài bài thuốc dân gian còn kết hợp hy thiêm với các dược liệu khác như thiên niên kiện, xuyên khung. 
  • Bạch thược: Giúp giảm đau nhức xương khớp, cứng khớp khó vận động và điều trị phong thấp. Vì vậy, người bệnh cứng khớp nên lựa chọn các phương thuốc có chứa bạch thược.
  • Sói rừng: Nhờ vào tác dụng loại bỏ và làm chậm quá trình sản xuất các kháng thể tự sinh mà sói rừng giúp điều trị triệu chứng cứng khớp do viêm khớp dạng thấp vô cùng hiệu quả. Bạn có thể kết hợp sói rừng với hy thiêm, bạch thược để tăng khả năng giảm các triệu chứng đau nhức, viêm sưng và cứng khớp.

su-dung-thao-duoc-giup-ho-tro-dieu-tri-cac-benh-ly-gay-cung-khop.jpg

Sử dụng thảo dược giúp hỗ trợ điều trị các bệnh lý gây cứng khớp

Phòng ngừa cứng khớp hiệu quả tại nhà

Để phòng ngừa sự xuất hiện các bệnh lý gây cứng khớp thì bạn cần phải có một lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay từ khi còn trẻ. Thực hiện một vài hoạt động dưới đây sẽ giúp bạn giảm được nguy cơ bị cứng khớp sau này:

  • Tập thể dục đều đặn: Bạn cần luyện tập các bài tập thể dục phù hợp với thể trạng của mình để nâng cao sức khỏe cơ xương và tăng sự chuyển động của khớp. Bạn cũng có thể tham gia các lớp tập yoga hay aerobic. Các bài tập này sẽ giúp tăng cường sự linh hoạt của khớp xương, cột sống, ngăn ngừa cứng khớp hiệu quả.
  • Thư giãn cơ thể: Khi ngồi làm việc với một tư thế quá lâu có thể làm khớp khó cử động và di chuyển. Vì thế, bạn có thể để các khớp được thư giãn bằng cách thay đổi tư thể, đi lại nhẹ nhàng hoặc tập một vài động tác đơn giản.
  • Dinh dưỡng cân bằng: Việc cân bằng các chất dinh dưỡng cần thiết cho xương khớp là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc bổ sung chỉ đảm bảo đủ chứ không nên thừa. Do đó, thức ăn được xem là nguồn dinh dưỡng tự nhiên an toàn nhất. Bạn có thể sử dụng các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá ngừ để bổ sung omega-3 và các loại rau cải, hạt chia, hạnh nhân, quả mâm xôi để bổ sung các chất chống oxy hóa, chất chống viêm tốt cho xương khớp khác.

bo-sung-omega-3-giup-phong-ngua-cung-khop-do-viem-khop-thoai-hoa-khop.jpg

Bổ sung omega-3 giúp phòng ngừa cứng khớp do viêm khớp, thoái hóa khớp

Cứng khớp gây ảnh hưởng rất lớn đến việc di chuyển và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, việc tìm hiểu các thông tin về bệnh và cách điều trị sẽ giúp bạn, người thân có biện pháp chăm sóc sức khỏe xương khớp tốt hơn. Nếu còn thắc mắc về vấn đề cứng khớp, hãy bình luận câu hỏi bên dưới hoặc số điện thoại liên lạc, chúng tôi sẽ liên hệ tư vấn cho bạn một cách chi tiết nhất.

Tài liệu tham khảo: 

https://www.healthline.com/health/stiff-joints#natural-remedies

https://www.webmd.com/rheumatoid-arthritis/ss/slideshow-stiff-joints

https://www.medicoverhospitals.in/symptoms/joint-stiffnes



Bình luận

2
Thông tin hữu ích

Thông tin hữu ích

  • 8 điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp
    8 điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp

    Viêm khớp dạng thấp không đơn giản chỉ điều trị một vài ngày đã khỏi ngay vì đây là bệnh viêm mạn tính. Do đó rất nhiều người lo lắng bệnh viêm khớp dạng thấp lâu ngày có gây tàn phế và ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể không? Dưới đây là 8 điều cần biết về căn bệnh này, giúp bệnh nhân điều trị đúng hướng giúp bệnh ổn định, ngăn ngừa biến chứng.

  •         Nên kiêng thực phẩm gì khi mắc bệnh viêm khớp?
    Nên kiêng thực phẩm gì khi mắc bệnh viêm khớp?

    Ngoài việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất béo không no, rau xanh, hoa quả tươi…kết hợp với việc vận động tập luyện, kiên trì sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ để bệnh viêm khớp nhanh được cải thiện. Bệnh nhân cần kiêng những gì để bệnh viêm khớp tái phát ?