Cách dùng thuốc điều trị VIÊM KHỚP DẠNG THẤP như thế nào?

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn điển hình, diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây hậu quả nặng nề. Do đó, người bệnh cần dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng như xác định giải pháp phục hồi vận động tích cực ngay từ đầu để ngừng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

Vậy nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp là gì? Cho đến nay, viêm khớp dạng thấp là bệnh chưa rõ nguyên nhân, được xác định có liên quan đến nhiễm khuẩn, cơ địa (nữ giới, trung niên, yếu tố HLA) và rối loạn đáp ứng miễn dịch. Trong đó, yếu tố góp phần là lympho B (miễn dịch dịch thể), lympho T (miễn dịch qua trung gian tế bào), đại thực bào,… cũng như sự tham gia của tự kháng thể (anti CCP, RF…) và các cytokines (TNFα, IL6, IL1…).

Cách dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính kéo dài, vì vậy, việc dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Nguyên tắc phác đồ điều trị viêm khớp dạng thấp

Điều trị toàn diện, tích cực, lâu dài và yêu cầu theo dõi thường xuyên.

- Các thuốc điều trị cơ bản hay còn gọi là nhóm thuốc DMARDs kinh điển có vai trò quan trọng trong việc ổn định bệnh và cần điều trị kéo dài.

- Các thuốc sinh học còn được gọi là DMARDs sinh học (kháng TNF α, kháng Interleukin 6, kháng lympho B) được chỉ định đối với thể kháng điều trị với DMARDs kinh điển hoặc tiên lượng nặng.

Thuốc chữa viêm khớp dạng thấp dùng thế nào thì hiệu quả?

Thuốc chữa viêm khớp dạng thấp dùng thế nào thì hiệu quả?

Điều trị triệu chứng

Phương pháp điều trị này nhằm cải thiện triệu chứng viêm, giảm đau, duy trì khả năng vận động khớp. Tuy nhiên, thuốc không làm thay đổi được sự tiến triển của bệnh.

- Các thuốc kháng viêm không steroid.

- Các thuốc kháng viêm ức chế chọn lọc COX2.

Celecoxib: 200mg, uống 1 đến 2 lần mỗi ngày.

Hoặc meloxicam: 15 mg tiêm bắp hoặc uống ngày một lần.

Hoặc etoricoxib: 60 - 90 mg, ngày uống một lần.

- Các thuốc kháng viêm ức chế không chọn lọc: Diclofenac (uống hoặc tiêm bắp: 75mg x 2 lần/ngày trong 3 - 7 ngày. Sau đó uống: 50 mg x 2 - 3 lần/ ngày trong 4 - 6 tuần); Brexin (piroxicam + cyclodextrin) 20mg uống hàng ngày.

- Corticosteroids (prednisolone, prednisone, nethylprednisolone): Thường sử dụng ngắn hạn trong lúc chờ đợi các thuốc điều trị cơ bản có hiệu lực. Chỉ định khi có đợt tiến triển.

Điều trị cơ bản bằng các thuốc chống thấp

Điều trị cơ bản bằng các thuốc chống thấp có tác dụng làm chậm hoặc ngừng tiến triển của bệnh.

- Thể mới mắc và thể thông thường: Sử dụng các thuốc DMARDs kinh điển methotrexate khởi đầu 10 mg một lần mỗi tuần. Tùy theo đáp ứng mà duy trì liều cao hoặc thấp hơn (liều tối đa là 20 mg/tuần).

- Thể nặng, kháng trị với các DMARDs kinh điển (không có đáp ứng sau 6 tháng) cần kết hợp với các thuốc sinh học (các DMARDs sinh học).

Các điều trị phối hợp khác

Tập luyện, hướng dẫn vận động chống co rút gân, dính khớp, teo cơ. Trong đợt viêm cấp, nên để khớp nghỉ ngơi, tránh kê, độn tại khớp. Khuyến khích tập luyện ngay khi triệu chứng viêm thuyên giảm, tăng dần, tập nhiều lần trong ngày. Kết hợp phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, tắm suối khoáng, phẫu thuật chỉnh hình (cắt xương sửa trục, thay khớp nhân tạo khi có chỉ định).



Bình luận

2
Thông tin hữu ích

Thông tin hữu ích

  • 8 điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp
    8 điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp

    Viêm khớp dạng thấp không đơn giản chỉ điều trị một vài ngày đã khỏi ngay vì đây là bệnh viêm mạn tính. Do đó rất nhiều người lo lắng bệnh viêm khớp dạng thấp lâu ngày có gây tàn phế và ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể không? Dưới đây là 8 điều cần biết về căn bệnh này, giúp bệnh nhân điều trị đúng hướng giúp bệnh ổn định, ngăn ngừa biến chứng.

  •         Nên kiêng thực phẩm gì khi mắc bệnh viêm khớp?
    Nên kiêng thực phẩm gì khi mắc bệnh viêm khớp?

    Ngoài việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất béo không no, rau xanh, hoa quả tươi…kết hợp với việc vận động tập luyện, kiên trì sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ để bệnh viêm khớp nhanh được cải thiện. Bệnh nhân cần kiêng những gì để bệnh viêm khớp tái phát ?