Không chỉ người lớn bị viêm khớp dạng thấp mà trẻ em cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này. Vậy nguyên nhân viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là do đâu? Nên có biện pháp khắc phục như thế nào vừa đem lại hiệu quả mà vẫn an toàn cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ? Mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là gì?
Nhiều người thường quan niệm, bệnh viêm khớp dạng thấp chỉ xảy ra ở người trưởng thành hoặc người già, còn trẻ em thì không bị. Thế nhưng, thống kê gần đây cho thấy, có đến 75% số ca bị viêm khớp xương là trẻ em, đặc biệt là độ tuổi 10 – 12 chiếm tới 60% số trẻ mắc bệnh. Các chuyên gia xương khớp cũng đã khuyến cáo rằng, trẻ em đang trong độ tuổi từ 2 – 17 có nguy cơ cao mắc viêm khớp dạng thấp. Đây là một rối loạn tự miễn, xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn các tế bào và mô khỏe mạnh trong cơ thể là tác nhân gây hại, do đó quay sang tấn công chính nó, dẫn đến tình trạng viêm, sưng tấy ở các khớp xương. Không giống như viêm khớp dạng thấp ở người lớn, triệu chứng bệnh xuất hiện ở trẻ em có thể biến mất sau vài tháng, nhưng cũng có trường hợp kéo dài suốt cuộc đời. Bệnh được coi là mạn tính khi các biểu hiện kéo dài từ 6 tuần đến 3 tháng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ.
Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có thể xảy ra ở một hoặc nhiều khớp như khớp ngón tay, cổ tay, ngón chân, cổ chân,… Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở trẻ em thường gặp là đau, viêm, sưng, ấm và cứng ở các khớp bị ảnh hưởng, có thể xuất hiện theo từng đợt hoặc xảy ra liên tục. Tùy thuộc vào mức độ viêm mà mỗi trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau. Đối với trường hợp viêm khớp dạng thấp thiếu niên toàn thân, trẻ có biểu hiện sốt cao, xuất hiện phát ban và sưng hạch bạch huyết; Cơ thể mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Hiện nay, vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây viêm khớp nhưng các nhà khoa học nghi ngờ, bệnh hình thành có thể do các yếu tố sau:
Di truyền
Nguyên nhân là do trẻ được di truyền kháng nguyên đặc hiệu HLA (Human Leucocyte Antigen) từ bố mẹ. Loại kháng nguyên này đóng vai trò chính trong tính nhạy cảm và khả năng chống lại bệnh tật. Chính vì vậy, trẻ có HLA thường có khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn những đứa trẻ bình thường khác.
Chấn thương
Nếu chấn thương không được điều trị kịp thời sẽ khiến khớp xương yếu dần và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, lâu dần sẽ phát triển thành viêm khớp dạng thấp.
Thừa cân, béo phì
Cân nặng vượt mức quy định sẽ gây áp lực lớn lên khớp xương. Về lâu dài, các khớp bắt đầu yếu dần, quá trình thoái hóa và viêm diễn ra nhanh hơn.
Ngoài các, sự tấn công của vi rút hoặc vi khuẩn từ bên ngoài hay biến chứng của bệnh lao cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em.
Điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Viêm khớp dạng thấp ở trẻ thường được điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu, cùng với thay đổi lối sống, với mục đích giảm đau, duy trì chuyển động và giảm tổn thương cho khớp. Sau đây là một số phương pháp điều trị:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Những loại thuốc này, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen natri có tác dụng làm giảm đau và sưng. Tác dụng phụ bao gồm: Khó chịu ở dạ dày và các vấn đề về gan.
Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs)
Bác sĩ sẽ sử dụng loại thuốc này khi NSAIDs không làm giảm triệu chứng đau, sưng khớp hoặc tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại cao trong tương lai. DMARDs có thể được thực hiện kết hợp với NSAIDs và được sử dụng để làm chậm tiến trình viêm khớp dạng thấp ở trẻ vị thành niên. DMARDs được sử dụng phổ biến nhất cho trẻ em là methotrexate. Tác dụng phụ của methotrexate có thể bao gồm: Buồn nôn và các vấn đề về gan.
Methotrexate - Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh
Tác nhân sinh học
Còn được gọi là chất điều chỉnh phản ứng sinh học. Trong đó, nhóm thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF), như etanercept và adalimumab có thể giúp giảm viêm toàn thân và ngăn ngừa tổn thương khớp. Các tác nhân sinh học khác có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch, bao gồm abatacept, rituximab, anakinra và tocilizumab.
Corticosteroid
Các loại thuốc như prednison có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng viêm khớp. Chúng cũng được sử dụng để điều trị các trường hợp viêm không ở khớp, chẳng hạn như viêm túi quanh tim (viêm màng ngoài tim). Những loại thuốc này có thể cản trở sự tăng trưởng bình thường và tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng, vì vậy chúng thường được sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể. Thực tế, việc sử dụng corticoid kéo dài đã gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ trong thời kỳ phát triển gây tình trạng tầm vóc nhỏ bé, yếu xương,...
Vật lý trị liệu
Nhà trị liệu vật lý hoặc chuyên gia phục hồi chức năng có thể hướng dẫn một số bài tập dành cho trẻ để cải thiện chức năng vận động các khớp. Trẻ sẽ được thiết kế chương trình tập thể dục phù hợp cho đến khi những triệu chứng giảm bớt.
Khuyến khích tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện chức năng, chuyển động của khớp và làm giảm các triệu chứng. Trong đó, bơi lội là môn thể thao tuyệt vời cho người bệnh viêm khớp vì nó không gây áp lực lên khớp.