Viêm khớp không còn xa lạ khi bệnh có thể gặp ở bất kỳ ai. Không chỉ khiến người mắc khổ sở bởi những cơn đau mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, việc điều trị cũng không hề dễ dàng khi bệnh hay tái phát. Do đó, phòng ngừa bệnh viêm khớp là rất cần thiết.
Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp
Viêm khớp có thể gặp ở bất kỳ ai, tuy nhiên, người cao tuổi và phụ nữ là những đối tượng dễ mắc nhất. Thống kê cho thấy, cứ 100 người trưởng thành thì có 2-5 người mắc viêm khớp. Đây là bệnh xảy ra tại những khớp trên cơ thể như: Khớp cổ tay, cổ chân, đầu gối,... Các triệu chứng điển hình của bệnh là: Cứng khớp, sưng tấy, đau khớp, đỏ, hạn chế vận động,... Ngoài ra, một số dấu hiệu có thể gặp bao gồm: Sốt, giảm cân, phát ban, mệt mỏi,...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm khớp. Tuy nhiên, có thể chia thành hai nhóm nguyên nhân chính, đó là:
- Các nguyên nhân tại khớp: Viêm sụn, thoái hóa, nhiễm khuẩn tại khớp, chấn thương khớp,...
- Các nguyên nhân tại khớp: Thường gặp là do bất thường hệ thống miễn dịch, rối loạn chuyển hóa (tăng acid uric trong bệnh gout),... sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và cấu trúc của khớp, từ đó gây viêm khớp.
Chẩn đoán bệnh viêm khớp
Khi có những biểu hiện của bệnh, người mắc nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị. Mỗi bệnh viêm khớp đều có tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau về lâm sàng và xét nghiệm. Cụ thể là:
- Khám bệnh: Người mắc sẽ được hỏi về những biểu hiện, triệu chứng cơ năng và thực hiện khám xác định tầm vận động của khớp, sự biến dạng khớp và một số nghiệm pháp để xác định tràn dịch khớp.
- Những xét nghiệm cơ bản: Các xét nghiệm máu ngoại vi, tốc độ máu lắng, protein phản ứng C, xét nghiệm chức năng gan thận, X quang tim phổi, điện tâm đồ,...
- Chụp X quang: Giúp phát hiện những biến đổi về cấu trúc xương.
- Chụp xạ hình xương: Phương pháp này giúp nhận biết những thay đổi về hình dạng xương khớp, phát hiện các rối loạn chuyển hóa, ung thư xương khớp,..
- Những xét nghiệm về miễn dịch: Trong trường hợp người mắc viêm khớp dạng thấp, xét nghiệm này giúp định lượng yếu tố dạng thấp (RH), anti CCP,...
Phòng ngừa bệnh viêm khớp
Viêm khớp tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến người mắc phải chịu đau đớn, hạn chế vận động và có thể gặp những biến chứng khó kiểm soát như: Dính khớp, biến dạng khớp, tàn phế,... Do đó, điều tốt nhất là phòng ngừa bệnh viêm khớp ngay hôm nay, thực hiện những biện pháp sau đây sẽ giúp bạn khỏe mạnh mỗi ngày.
Xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý
Tập thể dục thường xuyên và nhẹ nhàng: Giúp tăng cường lưu thông khí huyết, xương khớp dẻo dai hơn. Những bộ môn như: Yoga, bơi lội, dưỡng sinh,... rất phù hợp cho người bị viêm khớp.
Chế độ ăn uống khoa học: Thực phẩm giàu vitamin C, E và canxi rất cần thiết cho hệ xương khớp, giúp xương khỏe mạnh, ngăn ngừa thoái hóa. Nên hạn chế sử dụng những thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều chất béo, chất đường, muối, đồ uống chứa cồn,...
Tránh tiếp xúc với không khí lạnh hoặc ẩm thấp: Khi cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc sống trong môi trường ẩm thấp thì nguy cơ mắc bệnh viêm khớp sẽ tăng cao. Bởi vậy, bạn cần luôn giữ ấm cơ thể (nhất là bàn tay, bàn chân) để phòng ngừa mắc viêm khớp.
Uống đủ nước mỗi ngày
Nước chiếm hơn 70% trong thành phần của sụn, giúp duy trì trơn tru hai đầu xương. Việc mất nước sẽ khiến chức năng của sụn suy giảm, thoái hóa, giòn, gãy dẫn đến viêm khớp. Do đó, cần uống đủ nước mỗi ngày để đảm bảo sụn khớp luôn chắc khỏe.
Ngăn ngừa và điều trị chấn thương dứt điểm
Cần tránh cho cơ thể gặp phải những chấn thương không đáng có. Nếu không may bạn gặp phải chấn thương ở khớp thì phải điều trị dứt điểm, do việc chấn thương kéo dài sẽ tạo điều kiện xuất hiện viêm khớp.
Kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân béo phì
Việc thừa cân béo phì sẽ gia tăng áp lực tới khớp, chèn ép lên xương. Khi xương phải chịu một áp lực quá lớn sẽ dễ dẫn đến tình trạng viêm khớp. Vì vậy, bạn nên kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, giúp phòng ngừa viêm khớp và nhiều bệnh khác.