Thoái hóa khớp gối là bệnh lý về xương khớp phổ biến sau thoái hóa khớp cổ và cột sống thắt lưng. Bệnh tuy ít nguy hiểm tới tính mạng nhưng đặc biệt gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tàn tật ở người già. Bệnh thoái hóa khớp gối không chỉ là bệnh của người cao tuổi mà ngày càng trẻ hóa. Do đó bạn cần tìm giải pháp hỗ trợ trước khi quá muộn.
Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình cơ học, sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn, xương dưới sụn. Các khớp xương thường bị thoái hóa là: Gối, háng, cột sống thắt lưng, cột sống cổ và khớp ngón chân.
Khớp gối là nơi tiếp giáp của ba xương chính, gồm: Xương đùi, xương bánh chè và xương ống chân. Giữa các đầu xương có một lớp sụn bao phủ. Khớp này có nhiệm vụ quan trọng nâng đỡ toàn bộ cơ thể và hỗ trợ các hoạt động đi lại, chạy nhảy nên rất dễ bị thoái hóa.
Dấu hiệu sớm nhất của bệnh thoái hóa khớp gối là người mắc có cảm giác lục cục, lạo xạo khi cử động khớp, cứng khớp buổi sáng không quá 30 phút.
Bên cạnh đó, người mắc thoái hóa khớp gối thường có triệu chứng điển hình khác như sau:
+ Đau khớp gối: Đau âm ỉ, tăng lên khi vận động, khi thay đổi tư thế, giảm đau về đêm và đỡ hơn khi nghỉ ngơi. Đau thành từng đợt hoặc có thể đau liên tục tăng dần.
+ Vận động khó khăn: Trong nhiều hoạt động của khớp như: Bước lên xuống cầu thang, đứng lên ngồi xuống, ngồi xổm, đi bộ lâu và đạp xe đạp… người bị thoái hóa khớp gối cảm thấy rất đau và khó thực hiện.
+ Teo cơ: Do ít vận động, là hệ quả của việc vận động khó khăn.
+ Biến dạng khớp: Thường do các gai xương tân tạo, thoát vị màng hoạt dịch hoặc lệch trục khớp, các biến dạng thường ở mức độ thấp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp gối
Có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối gồm nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát, cụ thể:
- Nguyên nhân nguyên phát:
+ Người cao tuổi: Ở người cao tuổi, quá trình hủy sụn tăng lên, quá trình tạo sụn mới giảm và với các tế bào bị già hóa, do đó có nguy cơ thoái hóa cao hơn.
+ Di truyền: Nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh thoái hóa thì nguy cơ bị bệnh này của bạn tăng lên và có thể bị thoái hóa khi tuổi đời còn trẻ.
+ Chân không thẳng: Chân vòng kiềng hoặc chân chữ V dẫn đến trục khớp không thẳng cũng gây nên nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối.
- Nguyên nhân thứ phát:
+ Sau chấn thương, tiền sử phẫu thuật bệnh về xương, dị tật bẩm sinh hay rối loạn phát triển.
+ Một số bệnh viêm khớp như: Gout, viêm khớp dạng thấp, viêm do lao,... nếu không chú ý phòng tránh thoái hóa khớp thì nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn người bình thường.
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối
Hiện nay, việc điều trị thoái hóa khớp gối nhắm đến mục tiêu chính là giảm đau, duy trì và nâng cao khả năng vận động. Y học ngày càng phát triển, nhiều giải pháp đã được đưa ra để giải quyết tình trạng thoái hóa khớp gối bao gồm: Không dùng thuốc, dùng thuốc và điều trị ngoại khoa.
Phương pháp không dùng thuốc:
+ Chế độ sinh hoạt: Tránh hoạt động quá mức khiến khớp bị quá tải, giảm cân đối với bệnh nhân béo phì, kết hợp với sửa chữa các tư thế không chuẩn gây lệch trục khớp.
+ Vật lý trị liệu: Giúp giảm đau ở khớp, gân và cơ. Một số phương pháp như: Siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn giúp mang đến hiệu quả cao.
Phương pháp dùng thuốc:
+ Thuốc giảm đau: Tùy thuộc vào mức độ đau chọn một trong các thuốc đường uống thường dùng như Paracetamol(Panadol, Efferalgan), Paracetamol kết hợp Codein(efferalgan codein), Morphin và điều chỉnh liều cho phù hợp.
+ Thuốc chống viêm không steroid dùng cho bệnh nhân đau nhiều:
Dùng một trong các thuốc đường uống sau Diclofenac( Voltaren), Meloxicam(Mobic), Piroxicam(Felden), Celecoxib(Celebrex). Đặc biệt chú ý tuyệt đối không phối hợp các thuốc này vì không những không có tác dụng mà còn gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
Ngoài ra, ta có thể sử dụng một số thuốc bôi ngoài có tác dụng giảm đau đáng kể và hạn chế tác dụng không mong muốn như Voltaren Emulgel, Profenid gel,...
+ Corticosteroid: tiêm hydrocortison acetat vào khớp gối thường có hiệu quả ngắn với các triệu chứng của thoái hóa khớp.
Chất nhày dịch khớp: Tiêm natri hyaluronat (là một dạng muối của acid hyaluronat- thường có trong khớp như một loại chất lỏng bôi trơn).
Điều trị ngoại khoa:
Khi việc điều trị không đáp ứng với các phương pháp không dùng thuốc và dùng thuốc, hoặc ở những trường hợp bị hạn chế vận động nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngoại khoa. Hiện nay, một số phương pháp phẫu thuật được áp dụng để điều trị căn bệnh này, cụ thể:
+ Thay khớp
+ Đục xương sửa trục
+ Ghép xương sụn tự thân hoặc đồng loại
+ Ghép tế bào sụn tự thân
+ Phẫu thuật nội soi tạo tổn thương dưới sụn
+ Phẫu thuật nội soi làm sạch
+ Điều trị thoái hóa khớp bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc mô mỡ tự thân:
Phương pháp mới này áp dụng tế bào gốc tự thân, lấy từ mô mỡ ở thắt lưng của chính người bệnh để tách chiết lấy tế bào gốc rồi cấy để nhân lên; sau đó tiêm vào khớp gối nhằm điều trị triệu chứng thoái hóa.
Tuổi càng trẻ thì các tế bào gốc trong mô mỡ càng nhiều và càng tốt. Theo độ tuổi các tế bào này trong mô mỡ càng ít đi và quá trình nuôi cấy để nhân lên tế bào gốc càng kéo dài. Vì vậy khi còn trẻ, tốt nhất hãy lưu trữ tế bào gốc ở cơ sở y tế để phục vụ cho điều trị thoái hóa khớp gối sau này.