Viêm khớp dạng thấp - Bệnh lý nguy hiểm bạn cần biết!

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh giúp tìm ra phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả, an toàn. Cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây!

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, gây ra tình trạng viêm, sưng, đau ở bộ phận bị ảnh hưởng. Thống kê cho thấy, viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng đến hơn 1,3 triệu người ở Hoa Kỳ.

Viêm khớp dạng thấp chủ yếu gây tổn thương các khớp vừa và nhỏ như ngón tay, bàn tay, ngón chân, cổ chân, khớp gối,... Khi bệnh ở giai đoạn nặng, triệu chứng có thể lan ra các khớp khác như khuỷu tay, hông, vai. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể như phổi, tim và mắt. 

Yếu tố nguy cơ gây viêm khớp dạng thấp

Nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, bệnh có liên quan đến các yếu tố nguy cơ sau:

- Tuổi tác: Viêm khớp dạng thấp có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra ở đối tượng từ 20 - 50 tuổi, ít gặp hơn ở trẻ nhỏ và người già.

- Giới tính: Tỷ lệ nữ giới mắc viêm khớp dạng thấp cao gấp 2,5 lần so với nam.

- Hút thuốc lá: Nhiều nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp và có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.

- Di truyền: Nhiều người sinh ra đã thừa hưởng các gen làm tăng khả năng phát triển viêm khớp dạng thấp. Nguy cơ bị bệnh sẽ cao nhất khi những người này tiếp xúc với các yếu tố khác như hút thuốc lá hoặc béo phì.

- Môi trường: Một nghiên cứu cho thấy, trẻ em sống trong gia đình có người hút thuốc sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp tăng lên gấp đôi khi trưởng thành. 

- Thừa cân: Thừa cân khiến hệ xương khớp quá tải có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp.

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp theo giai đoạn

Viêm khớp dạng thấp tiến triển qua 4 giai đoạn. Cụ thể, triệu chứng bệnh của từng giai đoạn như sau: 

Giai đoạn 1: Giai đoạn đầu

Ở giai đoạn này, người bệnh gặp phải tình trạng viêm dẫn đến khớp bị đau nhức, cứng, sưng tấy, đỏ, chưa có tổn thương xương.

Giai đoạn 2: Trung bình

Người bệnh gặp phải các triệu chứng nặng hơn. Viêm bao hoạt dịch khớp bắt đầu gây tổn thương sụn khớp. Tình trạng này dẫn đến giảm khả năng vận động của người bệnh.

Giai đoạn 3: Nghiêm trọng

Lúc này, bệnh viêm khớp dạng thấp đã tiến triển đáng kể. Cơn đau khớp dữ dội và thường xuyên hơn, tổn thương kéo dài ra ngoài sụn đến xương. Các xương cọ xát với nhau và bắt đầu bị bào mòn, thậm chí có thể biến dạng. Người bệnh cảm thấy việc vận động càng khó khăn hơn.

Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối

Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất của viêm khớp dạng thấp. Các triệu chứng cũng tương tự những giai đoạn trên nhưng trầm trọng hơn, bao gồm đau, cứng, viêm và mất khả năng vận động, thậm chí xương có thể bị phá hủy.

Quá trình tiến triển 4 giai đoạn bệnh có thể mất nhiều năm và một số người không phải trải qua tất cả các giai đoạn trên. Khoảng 40% những người bị viêm khớp dạng thấp còn gặp phải các triệu chứng không liên quan đến khớp. Các khu vực có thể bị ảnh hưởng bao gồm: Da, mắt, phổi, thận, tuyến nước bọt, thần kinh, tủy xương, mạch máu,... 

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp dựa trên sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm:

- Cứng khớp buổi sáng kéo dài ít nhất 1 giờ và xuất hiện trong ít nhất 6 tuần.

- Sưng từ 3 khớp trở lên trong ít nhất 6 tuần.

- Sưng khớp cổ tay, bàn tay hoặc ngón tay trong ít nhất 6 tuần.

- Sưng, đau các khớp có tính đối xứng ở hai bên cơ thể.

- Chụp X-quang cho thấy hình ảnh thay đổi của khớp.

- Nổi các nốt dạng thấp trên da.

- Xét nghiệm máu dương tính với yếu tố dạng thấp và/hoặc kháng thể peptit/protein chống xitôzin.

Lưu ý: Yếu tố thấp khớp có thể xuất hiện ở những người không bị viêm khớp dạng thấp. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm kháng thể CCP để xem liệu kháng thể yếu tố dạng thấp là do viêm khớp dạng thấp hay bệnh lý khác. 

Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi không?

Viêm khớp dạng thấp không chữa khỏi được dứt điểm, nhưng có nhiều biện pháp giúp cải thiện triệu chứng và giảm thiểu số lần bùng phát đợt cấp của bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bất kỳ biến chứng nào xảy ra đối với khớp và dây chằng gây biến dạng đều là vĩnh viễn. Do vậy, một trong những vấn đề quan trọng giúp kiểm soát tốt bệnh là phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách. 

Biến chứng nguy hiểm của viêm khớp dạng thấp

Khi viêm khớp dạng thấp không được điều trị đúng cách, các biến chứng nghiêm trọng của bệnh có thể xảy ra bao gồm:

Biến chứng trên da

Hệ miễn dịch tự tấn công hệ xương khớp cũng có thể ảnh hưởng đến da. Cụ thể, người bệnh viêm khớp dạng thấp không điều trị có thể bị phát ban, xuất hiện mụn nước và nốt sần trên da.

Biến chứng trên tim mạch

Người bệnh viêm khớp dạng thấp không được kiểm soát có thể khiến mạch máu bị thu hẹp. Tình trạng này dẫn đến tắc nghẽn và đóng cục trong động mạch, làm tăng gấp đôi nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ. Viêm khớp dạng thấp còn có thể dẫn đến viêm màng ngoài tim hoặc viêm màng bao quanh tim.

Biến chứng trên phổi

Viêm khớp dạng thấp không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề ở phổi bao gồm:

- Mô sẹo hình thành theo thời gian do tình trạng viêm nhiễm lâu ngày gây khó thở, ho mạn tính.

- Các nốt thấp xuất hiện ở phổi tương tự như dưới da. Những nốt này vỡ có thể gây xẹp phổi.

- Chất lỏng tích tụ giữa các lớp màng phổi dẫn đến khó thở và đau ngực.

Biến chứng trên thận

Nghiên cứu chỉ ra rằng, người bị viêm khớp dạng thấp có khoảng 25% nguy cơ mắc bệnh thận. Nguyên nhân là do quá trình viêm nhiễm và tác dụng phụ của các thuốc điều trị gây hại thận. Bởi vậy, người mắc phải theo dõi chức năng thận thường xuyên.

Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng cách nào?

Các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp tập trung giảm viêm, đau, ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương khớp, giảm thiểu nguy cơ tàn tật và cải thiện khả năng vận động của người bệnh.

Dưới đây là các phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm khớp dạng thấp: 

Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Một số nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp đó là:

Thuốc chống thấp khớp (DMARD)

Nhóm thuốc này làm giảm triệu chứng và sự tiến triển của bệnh. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của hóa chất được giải phóng khi hệ thống miễn dịch tấn công khớp. Ban đầu, người bệnh phải dùng thử 2 - 3 loại DMARD xem thuốc nào phù hợp nhất để sử dụng lâu dài. Có thể phải mất vài tháng để nhận thấy hiệu quả của thuốc. 

Các DMARD có thể được sử dụng bao gồm: Methotrexate, leflunomide, hydroxychloroquine, sulfasalazine,... Trong đó, methotrexate thường là lựa chọn đầu tiên kết hợp với một loại DMARD khác.

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc bao gồm: Tổn thương gan và tế bào máu, đau đầu, chán ăn, tiêu chảy,...

Thuốc ức chế JAK

Thuốc ức chế JAK là nhóm thuốc mới nhất được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Hoạt chất được sử dụng hiện nay là: Tofacitinib, Baricitinib,... thường được kết hợp với methotrexate.

Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc có thể bao gồm: Nhiễm trùng mũi, họng hoặc khí quản; nhiễm trùng phổi (viêm phổi và viêm phế quản); nhiễm trùng bàng quang tiết niệu (viêm bàng quang); tăng men gan; tăng cholesterol máu.

Thuốc giảm đau

Trong một số trường hợp, người bị viêm khớp dạng thấp có thể phải dùng thuốc paracetamol hoặc kết hợp với codein. Mặc dù, thuốc không có tác dụng chống viêm nhưng giúp giảm đau hiệu quả. Cần thận trọng với tác dụng phụ làm tổn thương gan của thuốc. 

Thuốc giảm đau, chống viêm NSAIDs

Ngoài những thuốc giảm đau thông thường, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen, diclofenac,... Những loại thuốc này vừa có tác dụng giảm đau vừa giúp giảm viêm. Tuy nhiên, NSAIDs có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về dạ dày.

Thuốc steroid

Steroid là loại thuốc tác dụng mạnh giúp giảm đau, cứng và viêm. Thuốc có thể dùng ở nhiều dạng bao gồm: Thuốc uống, tiêm khớp, tiêm cơ. Steroid chỉ được dùng trong thời gian ngắn vì sử dụng lâu dài có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như: Tăng cân, loãng xương, dễ bầm tím, yếu cơ, mỏng da,...

Chữa viêm khớp dạng thấp bằng thuốc nam

Bên cạnh sự phát triển của các loại thuốc tây, phương pháp chữa viêm khớp dạng thấp bằng thảo dược tự nhiên cũng được nhiều người lựa chọn bởi tính an toàn, hiệu quả. Có rất nhiều vị thuốc được biết đến từ lâu đời với tác dụng cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa viêm khớp như: 

Sử dụng lá lốt

Các thành phần trong lá lốt có khả năng làm dịu tình trạng nóng, đỏ, sưng tấy, sốt do viêm khớp dạng thấp. 

Cách thực hiện: Rửa sạch 10 - 20 gram lá lốt để ráo nước và cho vào cối đập hơi dập. Sau đó, sắc cùng 600ml nước lọc đến khi còn khoảng 200ml thì dừng và lọc lấy phần nước, uống khi còn ấm nóng.

Sử dụng chìa vôi

Chìa vôi chứa nhiều thành phần giúp giảm đau, giảm tê bì. Đồng thời, hạn chế tình trạng sưng viêm và khó cử động cho người bị viêm khớp dạng thấp. 

Cách thực hiện: Rửa sạch lá chìa vôi để ráo nước, dùng tay vò hoặc đập dập. Sau đó, cho vào chảo, thêm muối hột và sao vàng. Đựng hỗn hợp thu được trong túi vải để chườm lên khớp bị đau. 

Sử dụng hy thiêm

Thành phần hóa học có trong hy thiêm bao gồm các hoạt chất như chất đắng daturosid, orientin giúp kháng viêm, giãn cơ rất tốt cho người bị viêm khớp dạng thấp. 

Cách thực hiện: Dùng thảo dược hy thiêm sắc nước cốt, thêm đường đen, cô lại thành cao, mỗi lần uống 1 chén nhỏ, ngày 2 lần.

Sử dụng sói rừng 

Tác dụng giảm đau, chống viêm, điều hòa miễn dịch của sói rừng được ứng dụng nhiều trong điều trị các bệnh về xương khớp, bao gồm viêm khớp dạng thấp. 

Cách thực hiện: Dùng cây tươi giã nát, sao với rượu và đắp trực tiếp vào chỗ đau. Hoặc người bệnh có thể sắc dược liệu với nước và uống trong ngày. 

Chế độ dinh dưỡng khoa học

Bên cạnh các phương pháp trên, người bị viêm khớp dạng thấp cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học để kiểm soát tình trạng viêm, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho hệ xương khớp, tránh các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Cụ thể: 

Người bị viêm khớp dạng thấp nên ăn gì?

- Cá béo: Cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích,... giàu axit béo omega-3. Đây là thành phần giúp kiểm soát tình trạng viêm mà người bị viêm khớp dạng thấp nên bổ sung để cải thiện bệnh.

- Các loại ngũ cốc: Yến mạch, lúa mì, gạo lứt và các loại ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng tim mạch ở người bị viêm khớp dạng thấp. 

- Dầu ô liu: Dầu ô liu chứa hợp chất oleocanthal giúp giảm viêm và có tác dụng giống như thuốc ibuprofen đem đến hiệu quả cải thiện tình trạng đau khớp. 

- Trái cây và rau: Trái cây, rau xanh rất giàu chất chống oxy hóa, chống lại gốc tự do gây viêm và tổn thương tế bào. Chúng cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho hệ xương khớp.

Người bị viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì?

Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung, hãy tránh xa những đồ ăn, thức uống có thể khiến tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn, cụ thể:

- Đồ nướng hoặc chiên: Những thực phẩm này kích thích phản ứng viêm dẫn đến tổn thương mô bên trong cơ thể, khiến các triệu chứng viêm khớp dạng thấp trở nên tồi tệ hơn.

- Thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-6: Thường có trong hàng đóng gói, chế biến sẵn để giảm nguy cơ thực phẩm bị hư hỏng. Chất này làm tăng cholesterol xấu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Đây cũng là một biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm khớp dạng thấp. 

- Đường và carbohydrate tinh chế: Các thực phẩm này kích hoạt giải phóng chất cytokine gây viêm trong cơ thể.

- Rượu: Uống nhiều rượu có thể làm tăng phản ứng viêm, khiến cơn đau khớp trở nên dữ dội và thường xuyên hơn. Do vậy, người bị viêm khớp dạng thấp nên kiêng tuyệt đối đồ uống này. 

Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp bằng cách nào?

Để ngăn ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp, hãy chú ý thực hiện những lời khuyên dưới đây: 

- Không hút thuốc lá, không tiếp xúc với khói thuốc.

- Hạn chế uống rượu, bia và sử dụng chất kích thích.

- Ăn uống khoa học, duy trì cân nặng hợp lý.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Hạn chế tiếp xúc với chất độc hại, nếu bắt buộc phải trang bị đồ bảo hộ cần thiết.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh xương khớp nguy hiểm, tiến triển âm thầm và còn gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học hiện đại và y học cổ truyền, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm khi được phát hiện sớm! Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy ghi lại số điện thoại hoặc comment để được chuyên gia tư vấn.



Bình luận

2
Thông tin hữu ích

Thông tin hữu ích

  • 8 điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp
    8 điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp

    Viêm khớp dạng thấp không đơn giản chỉ điều trị một vài ngày đã khỏi ngay vì đây là bệnh viêm mạn tính. Do đó rất nhiều người lo lắng bệnh viêm khớp dạng thấp lâu ngày có gây tàn phế và ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể không? Dưới đây là 8 điều cần biết về căn bệnh này, giúp bệnh nhân điều trị đúng hướng giúp bệnh ổn định, ngăn ngừa biến chứng.

  •         Nên kiêng thực phẩm gì khi mắc bệnh viêm khớp?
    Nên kiêng thực phẩm gì khi mắc bệnh viêm khớp?

    Ngoài việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất béo không no, rau xanh, hoa quả tươi…kết hợp với việc vận động tập luyện, kiên trì sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ để bệnh viêm khớp nhanh được cải thiện. Bệnh nhân cần kiêng những gì để bệnh viêm khớp tái phát ?