Viêm khớp dạng thấp điều trị bằng methotrexat có hiệu quả không? Đó là câu hỏi của hàng nghìn người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, bởi đây là bệnh lý xương khớp mãn tính phổ biến ở tuổi trung niên và đang có xu hướng trẻ hoá. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho độc giả vai trò của thuốc methotrexat trong điều trị căn bệnh này, mời các bạn cùng theo dõi.
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính do rối loạn miễn dịch trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khoẻ mạnh trong chính cơ thể. Bệnh gây viêm (sưng, nóng, đỏ, đau), xơ cứng và hạn chế vận động ở khớp, phần lớn là khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối. Các triệu chứng trong bệnh lý này thường biểu hiện ở hai bên khớp giống nhau, đây là một tiêu chí để bác sĩ chẩn đoán phân biệt viêm khớp dạng thấp với những bệnh viêm khớp khác. Bệnh không chỉ phá hệ khớp mà có thể làm tổn thương cả những hệ cơ quan trong cơ thể bao gồm: Da, mắt, phổi, tim và mạch máu.
Khác với những tổn thương hao mòn của viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau, cuối cùng có thể dẫn đến xói mòn xương và biến dạng khớp, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày như: Viết, lái xe, và mang vác đồ vật. Viêm khớp mắt cá, khớp gối hoặc khớp bàn chân có thể gây khó khăn và đau đớn cho bạn khi đi đứng, cúi người.
Bệnh diễn biến phức tạp gây hậu quả nặng nề, do đó cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp hữu hiệu sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống. Trong khi đó, những loại thuốc mới đã cải thiện đáng kể các lựa chọn điều trị, đem lại hiệu quả cao cho người bệnh, một thuốc phải kể đến đó là methotraxat.
Methotrexat điều trị viêm khớp dạng thấp như thế nào?
Methotrexat là thuốc ức chế miễn dịch dùng điều trị các bệnh: Ung thư, vảy nến, viêm khớp dạng thấp, u sùi dạng nấm. Trong điều trị viêm khớp dạng thấp, thuốc thuộc nhóm chống thấp khớp tác dụng chậm có thể làm giảm quá trình phá hủy sụn và xương.
Cơ chế chống viêm của methotrexat trong viêm khớp dạng thấp hiện chưa rõ ràng, liên quan đến ức chế tổng hợp ADN trong các tế bào viêm, giảm nồng độ tự kháng thể, có tác dụng chống viêm do giải phóng adenosin và giảm nồng độ cytokin trong dịch khớp, giúp giảm các triệu chứng viêm, giảm tổn thương khớp. Do có tác dụng ức chế enzym dihydrofolat reductase tham gia quá trình chuyển hóa acid folic, các tác dụng phụ của methotrexat thường liên quan đến chuyển hóa folat (nhưng không liên quan đến tác dụng chống viêm). Do vậy, bệnh nhân điều trị bằng methotrexat thường được dùng bổ sung acid folic.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, khi dùng thuốc hoàn toàn không đem lại tác dụng nào đối với những phần sụn khớp đã hoặc đang bị phá hủy. Chúng thường chỉ hiệu quả khi ở giai đoạn đầu của bệnh, tức là lúc dịch khớp bị gia tăng số lượng tế bào miễn dịch gây sưng đau. Bên cạnh đó, methotrexat không cho hiệu quả ngay, sau 4 – 6 tháng điều trị mới đem lại hiệu quả đầy đủ. Trong thời gian thuốc chưa phát huy tác dụng, bệnh nhân thường được dùng thuốc thuộc nhóm corticosteroids (Prednisolone, Prednisone, Methylprednisolone) để điều trị triệu chứng. Dùng methotrexat lâu dài gây ra nhiều khó khăn do độc tính và mất tác dụng. Do vậy, nếu sau 6 tháng không đem lại hiệu quả rõ ràng, người dùng phải ngừng thuốc và thay thế bằng một thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm khác như: Axathioprin, cyclopphosphamid,…
Methotrexat là thuốc do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.
Thuốc methotrexate điều trị viêm khớp dạng thấp cần thận trọng khi sử dụng cho những đối tượng sau:
- Bệnh nhân suy tủy, suy gan hoặc suy thận.
- Người bệnh bị viêm loét ở đường tiêu hóa, nghiện rượu.
- Trẻ em và người cao tuổi.
Thuốc methotrexate điều trị viêm khớp dạng thấp chống chỉ định đối với những trường hợp sau:
- Người bệnh suy dinh dưỡng, suy gan, suy thận nặng.
- Người suy giảm miễn dịch, rối loạn tạo máu.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú.
Các phản ứng có hại nghiêm trọng nhất của methotrexate bao gồm: Ức chế tủy xương, nhiễm độc phổi, độc gan, độc thận, độc thần kinh, biến cố huyết khối tắc mạch, sốc phản vệ và hội chứng Stevens-Johnson. Những phản ứng có hại thường gặp bao gồm: Rối loạn tiêu hóa (ví dụ như viêm miệng, khó tiêu, đau bụng, buồn nôn, chán ăn) và thay đổi chức năng gan. Khi gặp các tác dụng không mong muốn, bạn nên giảm liều lượng hoặc ngưng dùng thuốc và thực hiện những biện pháp khắc phục kịp thời.