Ở phụ nữ trung niên viêm khớp dạng thấp thường diễn ra âm ỉ trong nhiều năm, các đợt viêm khớp khởi phát từ từ và tăng dần với cường độ đau mạnh hơn. Người bệnh cần hiểu rõ về bệnh để có phương pháp điều trị đúng cách, hiệu quả.
Viêm khớp dạng thấp là dạng viêm khớp mạn tính thuộc nhóm bệnh tự miễn. Đa số trường hợp viêm khớp khởi phát từ từ và tăng dần, nhưng có khoảng 15% bắt đầu đột ngột với những triệu chứng cấp tính. Trước khi dấu hiệu ở khớp xuất hiện, bệnh nhân có thể thấy các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, tê các đầu chi, đau nhức và khó cử động khớp lúc ngủ dậy. Khoảng 2/3 trường hợp bắt đầu bằng viêm một khớp, thường là khớp nhỏ ở bàn tay, sau lan xuống khớp gối, bàn chân, cổ chân, ngón chân… đối xứng hai bên khớp, sưng đau, hạn chế vận động, ít nóng đỏ,… Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị biến dạng khớp, mất vận động ở các khớp viêm, thậm chí dẫn tới tàn phế.
Ảnh chụp X-quang viêm khớp dạng thấp
Để điều trị hiệu quả viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân cần tuân thủ một số chú ý bao gồm:
- Kết hợp nhiều biện pháp điều trị như: dùng thuốc, vật lý trị liệu, phẫu thuật, nẹp chỉnh hình,… Không tự ý sử dụng đơn thuốc giảm đau chống viêm cũ nếu không được bác sĩ chỉ định
- Thời gian điều trị chia làm nhiều giai đoạn: nội trú, ngoại trú và tập luyện phục hồi chức năng
- Nên có bác sĩ chuyên trách theo dõi bệnh nhân. Tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Xác định viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, việc điều trị cần kiên trì, lâu dài
Trong điều trị, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ cụ thể tuỳ thuộc vào từng giai đoạn và sự tiến triển của bệnh.