Viêm khớp dạng thấp và những biến chứng khôn lường!

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý miễn dịch ngày càng phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của bệnh nhân. Bệnh thường bắt đầu xuất hiện ở một khớp nhỏ như: Ngón tay, cổ tay, cổ chân…. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh không chỉ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tại khớp mà còn làm tổn thương các cơ quan như mắt, tim, phổi…

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính có liên quan đến yếu tố miễn dịch, với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề, do đó cần được điều trị tích cực ngay từ đầu để làm chậm tiến triển của bệnh, ngăn ngừa biến chứng tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người mắc.

 Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm:

+ Khớp mềm, ấm, sưng, đau.

+ Cứng khớp, thường xuất hiện vào buổi sáng sớm.

+ Mệt mỏi, sốt và chán ăn.

Viêm khớp dạng thấp ban đầu có xu hướng ảnh hưởng đến các khớp nhỏ hơn của bạn trước tiên - đặc biệt là những khớp gắn ngón tay vào bàn tay và ngón chân với bàn chân.

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng thường lan xuống cổ tay, đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, hông và vai. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng xảy ra ở những khớp đối xứng.

Tại sao bị viêm khớp dạng thấp?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn. Bình thường, hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân lạ, như vi khuẩn và virus bằng cách tạo ra phản ứng viêm. Tuy nhiên, trong bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch nhận diện nhầm màng hoạt dịch - mô khỏe mạnh trong cơ thể là mô ngoại lai, từ đó tìm cách làm tổn thương và hủy hoại chính những mô đó thông qua phản ứng viêm tại các khớp.

Biến chứng của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp có thể khiến bạn có nguy cơ cao mắc các biến chứng, đặc biệt nếu bệnh không được kiểm soát tốt. Những biến chứng mà bệnh có thể gây ra bao gồm:

✔    Hội chứng ống cổ tay

Đây là tình trạng phổ biến ở người bị viêm khớp dạng thấp. Nó gây ra bởi tình trạng viêm chèn ép lên dây thần kinh kiểm soát cảm giác và chuyển động ở tay (dây thần kinh giữa). Các triệu chứng của hội chứng này là: Nhức nhối, tê tái, ngứa ran ở ngón tay và một phần của bàn tay.

✔    Tổn thương khớp

Nếu bệnh viêm khớp dạng thấp không được điều trị sớm hoặc không kiểm soát tốt, nó có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm và không hồi phục, cụ thể:

+ Tổn thương xương và sụn lân cận.

+ Tổn thương các gân lân cận, có thể khiến chúng bị đứt gân.

+ Biến dạng khớp: Viêm khớp dạng thấp có thể gây biến chứng co quắp các      ngón tay, giảm chức năng vận động ở khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay... Nếu mắc bệnh lâu năm không được điều trị phù hợp, người bệnh có thể bị tàn phế, không thể tự đi lại, sinh hoạt.

✔    Tình trạng viêm lan rộng

Bản thân căn bệnh này và nhiều loại thuốc được sử dụng để chống lại bệnh viêm khớp dạng thấp có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng. Viêm khớp dạng thấp có thể gây viêm phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như:

+ Phổi: Viêm phổi hoặc niêm mạc phổi, có thể gây đau tức ngực, ho dai dẳng       và khó thở.

+ Tim: Viêm màng ngoài tim, ngoài ra tăng nguy cơ bị xơ cứng, tắc nghẽn động mạch và đe dọa đến tính mạng.

+ Mắt: Triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến mắt của bệnh viêm khớp dạng thấp là khô. Mắt khô rất dễ gây ra các bệnh lý nhiễm trùng như: Viêm củng mạc mắt (đỏ và đau). Nếu không được điều trị, tình trạng khô mắt có thể gây tổn thương giác mạc.

+ Mạch máu: Viêm mạch máu dẫn đến thành mạch dày lên, suy yếu, xơ sẹo và hẹp lại. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể ảnh hưởng lưu lượng máu đến các mô và cơ quan trong cơ thể.

Để phòng tránh tình trạng viêm lan rộng đến các bộ phận khác trong cơ thể, cần được phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này.

✔    Bệnh loãng xương

Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp cùng với một số loại thuốc điều trị, có thể làm tăng nguy cơ loãng xương – xương suy yếu và dễ bị gãy hơn.

✔    Thành phần cơ thể bất thường

Tỷ lệ mỡ trên khối lượng nạc thường cao hơn ở những người bị viêm khớp dạng thấp, ngay cả ở những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường.

✔    Ung thư hạch

Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ ung thư hạch, một nhóm ung thư máu phát triển trong hệ thống bạch huyết.                                                                            



Bình luận

2
Thông tin hữu ích

Thông tin hữu ích

  • 8 điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp
    8 điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp

    Viêm khớp dạng thấp không đơn giản chỉ điều trị một vài ngày đã khỏi ngay vì đây là bệnh viêm mạn tính. Do đó rất nhiều người lo lắng bệnh viêm khớp dạng thấp lâu ngày có gây tàn phế và ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể không? Dưới đây là 8 điều cần biết về căn bệnh này, giúp bệnh nhân điều trị đúng hướng giúp bệnh ổn định, ngăn ngừa biến chứng.

  •         Nên kiêng thực phẩm gì khi mắc bệnh viêm khớp?
    Nên kiêng thực phẩm gì khi mắc bệnh viêm khớp?

    Ngoài việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất béo không no, rau xanh, hoa quả tươi…kết hợp với việc vận động tập luyện, kiên trì sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ để bệnh viêm khớp nhanh được cải thiện. Bệnh nhân cần kiêng những gì để bệnh viêm khớp tái phát ?