Thuật ngữ viêm khớp tự miễn dùng để chỉ nhóm các loại viêm khớp do hệ thống miễn dịch nhầm lẫn tế bào trong cơ thể là kẻ ngoại lai và tự tấn công. Kết quả là gây đau, cứng khớp và hạn chế khả năng vận động. Có hơn 100 loại viêm khớp và mỗi loại lại biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vẩy nến là những loại viêm khớp tự miễn phổ biến nhất. Bài viết này sẽ xem xét kỹ về bệnh và phác thảo một số phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay.
Triệu chứng viêm khớp tự miễn như thế nào?
Bệnh tự miễn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật và gia tăng tỷ lệ tử vong. Trong viêm khớp tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch tấn công niêm mạc khớp. Tình trạng viêm còn ảnh hưởng đến cả các cơ quan khác của cơ thể. Triệu chứng viêm khớp cũng như tốc độ tiến triển bệnh khác nhau ở mỗi người. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, khoảng 1,5 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị viêm khớp dạng thấp. Các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu chậm, có thể đến và đi theo thời gian.
Viêm khớp tự miễn là bệnh hình thành do sự suy yếu của hệ miễn dịch
Nếu bệnh không được điều trị sớm có thể khiến tình trạng ngày càng phức tạp hơn, dễ gây sưng đau trên nhiều khớp khác nhau, trong đó phổ biến tại các khớp nhỏ ở chân và tay. Một số khớp lớn hơn vẫn có thể mắc bệnh với các biểu hiện như sau:
- Mức độ đau nhức khớp tăng dần về đêm và gần sáng, có dấu hiệu cứng khớp, khó vận động, phải nằm im hoặc xoa bóp 10 – 15 phút.
- Sưng đỏ, đau nhức tại các đầu khớp, có thể xảy ra ở 1 khớp hoặc lần lượt trên nhiều khớp khác nhau và mang tính đối xứng, nghĩa là khớp ở 2 bên cùng mắc bệnh 1 lúc, ví dụ như 2 khớp gối, 2 khớp cổ tay,…
- Một số khớp có dấu hiệu biến dạng, phình to hoặc cong vẹo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cầm nắm, đi lại của người bệnh. Trường hợp nặng có thể gây teo cơ, bại liệt đến suốt đời.
- Xuất hiện các hạt cứng dưới da, ấn vào thường không có cảm giác gì. Những hạt cứng này sẽ ngày càng to dần lên gây biến dạng khớp, khiến khớp khó vận động.
- Ngoài ra, có thể nhận biết biểu hiện thấp khớp thông qua một số dấu hiệu toàn thân như sụt cân, ăn ngủ không ngon giấc, sắc mặt xanh xao, tâm lý bất ổn,…
Nguyên nhân ngày càng nhiều người mắc viêm khớp tự miễn
Ở giữa các khớp xương có một lớp dịch mỏng và nhầy đóng vai trò như 1 cái túi cung cấp những chất hoạt dịch để nuôi sụn và bôi trơn cho khớp. Bao quanh khớp là bao hoạt dịch và gân, dây chằng có tác dụng làm các khớp hoạt động và cố định vị trí khớp. Bất cứ thành phần nào nói trên bị tổn thương thì đều làm đau và sưng xung quanh khớp, dẫn đến nguy cơ thoái hoá khớp, mất chức năng khớp. Khác với bệnh viêm khớp thường gặp ở người cao tuổi, viêm khớp tự miễn xảy ra do chính hệ thống miễn dịch tấn công vào các thành phần cơ thể và gây viêm. Bạch cầu sẽ thâm nhập vào các bao hoạt dịch (ở giữa các khớp) đồng thời làm rỉ hoạt dịch và gây viêm. Quá trình này sẽ ăn mòn sụn, xương và làm biến dạng xương nếu không điều trị sớm.
Phụ nữ dễ bị viêm khớp tự miễn hơn nam giới
Ngoài ra, nguyên nhân gây viêm khớp tự miễn còn do các yếu tố tác động tiêu cực đến tính kháng nguyên của màng hoạt dịch khớp như:
- Di truyền: Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc viêm khớp dạng thấp ở gia đình có bố mẹ bị bệnh cao hơn 2 - 3 lần so với gia đình khác.
- Yếu tố khởi phát: Một số nguyên nhân viêm khớp dạng thấp do các tác nhân như virus, vi khuẩn di chuyển từ máu vào màng bao quanh khớp tạo ra chất gây viêm TNF-alpha và tạo phản ứng viêm tại khớp.
- Giới tính: Viêm khớp dạng thấp có liên quan rõ rệt đến giới tính, cụ thể: 70 - 80% người bệnh đều là phụ nữ, trong đó 2/3 trường hợp là đối tượng trên 30 tuổi.
- Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt: Thiếu dưỡng chất khiến cơ thể suy nhược, tác động tiêu cực đến cơ chế tự miễn. Ngoài ra, nếu thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thức khuya, stress,... cũng làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Một số yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển: Cơ thể suy yếu do mắc bệnh truyền nhiễm, nhiễm lạnh, hậu phẫu hoặc sống trong môi trường khí hậu ẩm thấp,...
Cách điều trị viêm khớp tự miễn hiệu quả
Mặc dù chưa có cách chữa trị triệt để cho tình trạng lâu dài này, nhưng một loạt các phương pháp điều trị có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Các bác sĩ sẽ xem xét triệu chứng, loại viêm khớp và sức khỏe tổng thể của bạn để đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp. Thuốc thường được sử dụng để giảm nhanh triệu chứng đau là thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Chúng bao gồm ibuprofen hoặc naproxen. Đối với các loại viêm khớp khác, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc chống thấp khớp (DMARDs). Nếu DMARD không hiệu quả trong điều trị viêm khớp tự miễn, bác sĩ có thể kê toa thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học. Đôi khi, bạn có thể được chỉ định dùng các loại thuốc này kết hợp với DMARD, đặc biệt là methotrexate.
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp quản lý các dạng viêm khớp tự miễn
Ngoài các phương pháp điều trị y tế cho bệnh viêm khớp tự miễn, bác sĩ có thể sẽ đề nghị thay đổi lối sống cho người bị rối loạn tự miễn dịch. Cụ thể, người mắc viêm khớp tự miễn nên:
- Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các loại cải thiện phạm vi chuyển động trong khớp. Đi bộ, thể dục nhịp điệu dưới nước và các bài tập aerobic tác động thấp khác đều mang đến lợi ích cho người bị viêm khớp.
- Ngừng hút thuốc. Hút thuốc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của nhiều loại viêm khớp tự miễn.
- Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giảm áp lực lên các khớp bị đau.
- Nói chuyện với bác sĩ về các bước khác để cải thiện sức khỏe tổng thể.