Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường bị sưng viêm nhiều khớp, gây đau đớn, hạn chế vận động. Điều đáng lo ngại, bệnh hay tái phát làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển phức tạp và được chia thành nhiều giai đoạn, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh sẽ gây nên hậu quả nguy hiểm. Cùng xem bài viết dưới đây để biết thêm thông tin.
Bệnh nhân chú ý 3 giai đoạn phát triển của bệnh khớp dạng thấp
Giai đoạn 1: Bệnh thường khởi phát âm thầm, tăng dần, chỉ khoảng 10-15% bệnh bắt đầu biểu hiện đột ngột và cấp tính. Trước khi có triệu chứng của khớp, bệnh nhân có thể có biểu hiện như sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút, ra nhiều mồ hôi, tê các đầu chi tuy nhiên người bệnh chủ quan và chưa phát hiện ra bệnh nên không đi thăm khám. Giai đoạn này những biểu hiện bệnh kéo dài vài tuần đến vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.
Giai đoạn 2: Thường xuất hiện triệu chứng viêm, sưng đau nhiều khớp (nên còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp). Bệnh biểu hiện bắt đầu tại các khớp nhỏ như khớp cổ tay, chân, khớp ngón gần bàn tay, khớp bàn ngón tay chân, khớp gối, khớp khuỷu. Các khớp ít gặp biểu hiện sưng đau ở giai đoạn này như: khớp háng, cột sống, khớp vai, khớp ức đòn, nếu có viêm các khớp này cũng thường là ở giai đoạn muộn.
Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này, nếu không được điều trị tích cực, các tổn thương sụn khớp và đầu xương ngày càng nặng nề, làm khe khớp dần dần hẹp lại, các đầu xương dính liền lại với nhau gây biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp bệnh nhân không còn khả năng vận động. Có thể nói, đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh viêm khớp dạng thấp, sau khoảng từ 5 đến 10 năm, nếu không có biện pháp điều trị không hợp lý, các khớp sẽ dính và biến dạng trầm trọng. Khi đó người bệnh có thể mất hết chức năng vận động, tàn phế hoàn toàn. Bệnh còn có thể gây các biến chứng vào tim như gây viêm màng ngoài cơ tim, hở van tim, suy tim, trụy tim mạch… thậm chí có thể dẫn đến tử vong.