Viêm khớp dạng thấp và gút có cùng chung biểu hiện là sưng, nóng, đỏ, đau tại các khớp nên nhiều bệnh nhân khi có những biểu hiện này dễ nhầm lẫn với căn bệnh gút, bệnh nhân chủ quan không đi thăm khám mà tự ý điều trị khiến bệnh ngày càng trở nặng. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có hướng điều trị phù hợp nhất với bệnh giúp mang lại hiệu quả cao.
Viêm khớp dạng thấp dễ nhầm lẫn với gút
Viêm khớp dạng thấp: thường gặp ở phụ nữ độ tuổi trung niên với các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau tại các khớp và có tính chất đối xứng hai bên, ảnh hưởng đến nhiều khớp, đặc biệt là các khớp nhỏ như khớp bàn, ngón tay chân, khớp cổ tay, cổ chân. Bên cạnh đó, do có tính chất tự miễn, nên khi cơ thể suy yếu khiến bệnh xuất hiện và càng nặng, ngoài ra viêm khớp dạng thấp còn tác động đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể và gây ra các triệu chứng toàn thân như: sốt, mệt mỏi, nổi nốt thấp dưới da…
Đối với căn bệnh gút: nguyên nhân gây bệnh lại do rối loạn chuyển hóa axit uric, bệnh thường gặp ở nam giới. Khác với viêm khớp dạng thấp, gút không diễn ra đồng thời tại nhiều khớp mà thường là một khớp (ngón chân cái chiếm 70%), thường diễn ra vào ban đêm, có tính chất di truyền và liên quan tới chế độ ăn uống.
Bệnh nhân cần đi khám để được chẩn đoán chính xác viêm khớp dạng thấp
Để chẩn đoán bệnh, đối với viêm khớp dạng thấp, bác sĩ căn cứ vào yếu tố dạng thấp RF (+) trong máu. Với bệnh nhân gút, bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số nồng độ axit uric trong máu tăng cao hoặc chọc dịch khớp và soi kính hiển vi tìm tinh thể hình kim muối urat.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn có diễn biến phức tạp, lâu dài và dễ nhầm với gút. Do vậy, bệnh nhân cần thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác để điều trị đúng hướng, giảm thiểu nguy cơ tàn phế. Tùy theo mức độ nặng của bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp dùng thuốc, vật lý trị liệu hay phẫu thuật.